10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA TỈNH KON TUM NĂM 2023
Lượt xem:
(Theo Văn bản số 256/UBND-KGVX ngày 23/01/2024 của UBND tỉnh Kon Tum về việc công bố 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Kon Tum năm 2023)
1/ Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum
2/ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum
Từ ngày 18-20/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới Kon Tum cần phải thực hiện 4 mục tiêu chính, đó là: Phát triển nhanh- mạnh- toàn diện- bền vững; giữ vững quốc phòng- an ninh vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, dứt khoát không để bị động bất ngờ về an ninh trật tự; xây dựng khu vực phòng tuyến hợp tác kinh tế, hợp tác quốc tế bình đẳng lành mạnh, hiệu quả; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS.
3/ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất tại tỉnh Kon Tum
Ngày 14/12/2023, tại tỉnh Kon Tum, Đại tướng Phan Văn Giang- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam; Đại tướng Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lạt- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; Đại tướng Tia Sây-ha- Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia đồng chủ trì buổi Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất.
4/ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, tại tỉnh Kon Tum năm 2023
Từ ngày 29/11-1/12/2023, Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum, UBND 4 tỉnh Tây Nguyên tổ chức Ngày hội VH,TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”. Tham dự Lễ khai mạc Ngày hội có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL; Y Thanh Hà Niê KĐăm- Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội.
Trong khuôn khổ Ngày hội có nhiều hoạt động như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; thi đấu thể thao truyền thống; hoạt động du lịch.
Ngày hội nhằm tôn vinh giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Từ đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền quảng bá về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên để thu hút đầu tư.
5/ Hoạt động ngoại giao, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Kon Tum với các tỉnh của Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
Năm 2023, tỉnh Kon Tum ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Chăm-pa-sắc, Lào giai đoạn 2023-2027 và tỉnh Rattanakiri, Campuchia giai đoạn 2023-2028. Đây là sự kiện quan trọng, biểu hiện sinh động về “Mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa ba nước Việt Nam – Lào- Campuchia nói chung, ba tỉnh Kon Tum, Chăm-pa-sắc và Rattanakiri nói riêng.
Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác tiếp tục khai thác, phát huy tối đa tiềm năng hợp tác giữa các bên trong thời gian tới, trên tinh thần hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Đồng thời đề xuất phương hướng, hình thức hợp tác thiết thực, toàn diện, đột phá trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi tỉnh.
6/ Thành phố Kon Tum được công nhận đô thị loại II
Ngày 10/1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thành phố Kon Tum đạt tiêu chí đô thị loại II với hầu hết các tiêu chuẩn đã đạt hoặc vượt mức tối đa như tăng trưởng kinh tế đạt trên 13%, với cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Việc trở thành đô thị loại II tạo động lực để thành phố Kon Tum tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và một cuộc sống tốt, tiện nghi hơn cho cư dân đô thị.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh (9/2/1913-9/2/2023), tối 9/2/2023, đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 10/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum cho lãnh đạo thành phố Kon Tum. Đây là kết quả từ sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Kon Tum.
7/ Tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động liên quan đến dược liệu đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với phát triển du lịch tỉnh Kon Tum
Trong năm 2023, tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm quảng bá, tôn vinh, nhận diện sâm Ngọc Linh Kon Tum như Phiên chợ sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức; Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư máy, thiết bị kiểm định sâm Ngọc Linh; tổ chức trao Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum. Đây là những bước đi đúng đắn của tỉnh trong việc bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh.
Các sự kiện, hoạt động quảng bá, tôn vinh, nhận diện sâm Ngọc Linh Kon Tum được triển khai gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch của tỉnh như: Trưng bày quảng bá giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực, không gian văn hóa và các điểm du lịch của địa phương; kết nối các tour, tuyến điểm du lịch giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có Khu Du lịch sinh thái Măng Đen và những điểm du lịch mới trên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi. Nhờ đó, du lịch Kon Tum năm 2023 đã khởi sắc và phát triển vượt bậc: ước thu hút được trên 1,3 triệu lượt khách, đạt 86,67% kế hoạch và bằng 121,75% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu ước khoảng 520 tỷ đồng, đạt 162,5% kế hoạch và bằng 160,1% so với cùng kỳ năm trước.
8/ Công nhận xe tăng 377 là Bảo vật quốc gia
Tối 27/4/2023, Huyện ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Tô tổ chức Lễ công bố Quyết định số 41/QĐ-TTg, ngày 30/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia xe tăng T59, số hiệu 377.
Xe tăng T59, số hiệu 377 thuộc Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297, Mặt trận Tây Nguyên, nay thuộc Quân đoàn 3. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, xe tăng 377 tham gia trận đánh Căn cứ E42 Tân Cảnh và Căn cứ Đăk Tô 2. Ngày 24/4/1972, xe tăng 377 cùng với 4 chiến sĩ trong kíp xe đã chiến đấu, hy sinh anh dũng, tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với các lực lượng khác giải phóng hoàn toàn Đăk Tô – Tân Cảnh. Đây là chiếc xe tăng lập kỷ lục chiến đấu cao nhất trong một trận đánh của lực lượng Tăng – Thiết giáp; là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là hiện vật quý, độc bản, có giá trị ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Tháng 11/2023, UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt Phương án bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377. Mục tiêu là nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia; phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác đối với bảo vật quốc gia Xe tăng T59 số hiệu 377; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý thức bảo vệ bảo vật quốc gia.
9/ Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na và dân tộc Gia Rai (nhánh A Ráp) được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 14/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 238/QĐ-BHVTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tại các huyện: Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum và Quyết định số 3434/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/11/2023 nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm tộc người A Ráp (dân tộc Gia Rai) ở huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề dệt thủ công truyền thống có từ lâu, được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Dệt vải thủ công truyền thống có vị trí rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Sản phẩm làm ra ngoài đảm bảo nhu cầu của gia đình còn trao đổi, mua bán trong cộng đồng. Hiện nay, sản phẩm dệt vải thổ cẩm truyền thống đang trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch và là mặt hàng thu hút du khách.
10/ Sơ kết 2 năm triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”
Ngày 9/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Dương Văn Trang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Sau hơn 2 năm triển khai Cuộc vận động đã có 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 50%) đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo.