Nhìn lại một năm đẩy mạnh hoạt động giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc ở các nhà trường

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngoài việc đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy,  năm 2017, các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số, các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú  trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn tích cực triển khai, duy trì và phát triển các đội cồng chiêng, múa Xoang cho học sinh

Trong nội dung dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường phổ thông hiện nay, một số giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và quốc tế đã được đưa vào nhiều bài học ở các môn học và hoạt động giáo dục của trường phổ thông các cấp tiểu học, THCS và THPT.

Nhiều năm trở lại đây, việc đưa vào giảng dạy biểu diễn múa xoang và cồng chiêng Tây Nguyên được đánh giá là cách làm hiệu quả để giữ gìn những giá trị quý báu trong bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum. Trong năm 2017, các trường các trường tiểu học, THCS, trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú trên toàn địa bàn tỉnh Kon Tum không chỉ duy trì và phát triển các đội cồng chiêng, múa Xoang, mà còn tích cực triển khai nhiều hoạt động giáo dục giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Liên hoan cồng chiêng Ngành GD&ĐT TP Kon Tum

 

Liên hoan cồng chiêng ngành GDĐT thành phố Kon Tum

Các nhà trường tổ chức dạy cồng chiêng, dạy múa Xoang cho học sinh là việc làm hết sức ý nghĩa. Việc đưa văn hóa cồng chiêng vào trong trường học không những tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh cho các em học sinh mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa cồng chiêng của các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bên cạnh đó, còn giúp học sinh có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của dân tộc; khuyến khích các em tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc dân tộc thiểu số, góp phần khơi dậy và phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Chính vì ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc đó mà trong thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các trường học, phụ huynh, học sinh. Minh chứng cho điều đó là sự thành công của Liên hoan cồng chiêng- múa xoang và hội thi trang phục dân tộc thiểu số năm 2017 do Phòng GD&ĐT Thành phố Kon Tum tổ chức; là sự thành công của Hội thi Cồng chiêng – Xoang học sinh trường , trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú do Sở GD&ĐT phối hợp cùng Sở Văn hóa TT&DL Kon Tum tổ chức, đã thu hút 19 đội cồng chiêng, múa Xoang ở các đơn vị trường PTDTNT, PTDTBT, phòng GD&ĐT các huyện/thành phố, với đông đảo học sinh tham gia.

Hội thi cồng chiêng-xoang các trường PTDTBT, PTDTNT 2017

Hội thi cồng chiêng – xoang các trường PT DTBT, PT DTNT năm 2017

Với những nỗ lực thúc đẩy các giá trị văn hóa trong đời sống nhà trường thì những Hội thi, liên hoan cồng chiêng- xoang trong năm 2017 thực sự đã trở thành ngày hội. Các em học sinh đã mang đến những nhịp chiêng trầm hùng, những điệu múa uyển chuyển, những tác phẩm chuyển thể từ văn học dân gian, những bộ trang phục đầy sắc màu văn hóa. Các em mang đến sự rộn ràng, thông điệp về sự đoàn kết các dân tộc; niềm tự hào lưu truyền văn hóa dân tộc; sự học hỏi, giao lưu và hiểu biết. Chính điều này đã tạo cơ hội cho sự tương tác đa chiều, trong đó có sự chia sẻ về văn hóa truyền thống các dân tộc.

Từ những kết quả mang lại, có thể thấy rằng, việc đưa cồng chiêng, múa xoang vào nhà trường thực sự đã mang lại hiệu quả tích cực. Chắc chắn trong những năm tiếp theo, các giá trị văn hóa dân tộc sẽ tiếp tục được hiện thực hóa bằng các hoạt động ý nghĩa ở các nhà trường, góp phần hiện thực hóa đổi mới giáo dục và đào tạo và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.