Kon Plông chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

Lượt xem:

Đọc bài viết

Kon Plông chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

27/01/2018 07:00

​Huyện Kon Plông hiện có 33 trường học với 396 lớp, 6.396 học sinh. Với đặc thù phần lớn học sinh là đồng bào DTTS, những năm qua, Kon Plông đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Nhờ đó, đã góp phần đảm bảo tỉ lệ học sinh DTTS ra lớp đúng độ tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện.

Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS giai đoạn 2016 – 2020, thời gian qua, huyện Kon Plông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng đồng bào DTTS.

Trước hết, UBND huyện đã xây dựng Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục học sinh trên địa bàn huyện Kon Plông giai đoạn 2016-2020 nhằm cụ thể hóa từng phần việc theo Nghị quyết. Các xã, các đơn vị trường học đã quán triệt sâu rộng nội dung của tinh thần Nghị quyết tới các cán bộ, đảng viên, giáo viên; đặc biệt là các bậc phụ huynh để mọi người nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của giáo dục và việc phải nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Các giáo viên dạy tại những vùng đồng bào DTTS cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động để học sinh DTTS biết được ý nghĩa, động cơ, trách nhiệm của việc học với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó khơi dậy trong các em ý thức của việc đến trường, đến lớp, nâng cao tính chuyên cần.

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú tiểu học Đăk Tăng luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: H.N

 

Nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng; huyện Kon Plông luôn  đặt việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học lên hàng đầu. Đến nay, đội ngũ giáo viên được củng cố, bổ sung, chuẩn hóa về trình độ và được bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trong toàn ngành đạt 99,5%. Đồng thời, huyện cũng thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường đảm bảo về số lượng, cơ cấu, trình độ và kỹ năng sư phạm; ưu tiên tuyển dụng giáo viên có kết quả học tập khá, giỏi về công tác tại huyện, đặc biệt là giáo viên người DTTS tại chỗ.

Ngành Giáo dục của huyện không ngừng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với học sinh DTTS. Trong đó, đối với bậc mầm non, Kon Plông đã thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục mầm non phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tập nói tiếng Việt cho học sinh DTTS ở lớp mẫu giáo 5 tuổi. Ở bậc tiểu học đã thực hiện tốt việc điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng, tránh quá tải đối với học sinh DTTS; đồng thời trong quá trình vận dụng đổi mới phương pháp dạy học linh hoạt đảm bảo phù hợp với sự phát triển tư duy, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học người DTTS. Ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, các trường đã đẩy mạnh việc dạy các phương pháp thực hành; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh DTTS phù hợp với thực tế tại địa phương; chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém…

Đặc biệt, công tác tổ chức, chăm sóc học sinh bán trú tiếp tục được củng cố và duy trì. Nhờ vậy, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo, chất lượng và ý thức học tập của các em đã được nâng lên, góp phần duy trì chất lượng giáo dục của toàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông chia sẻ: Việc tổ chức bán trú đã giúp số đông học sinh dân tộc thiểu số được học 2 buổi/ngày. Các lớp bán trú sẽ được học 2 buổi/ngày đảm bảo 7 buổi/tuần đối với bậc tiểu học và 8 buổi/tuần đối với bậc THCS để giáo viên tăng cường ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Đồng thời, các trường có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhằm thu hút học sinh đến lớp, duy trì sĩ số. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS.

Cùng với những giải pháp về công tác dạy và học, huyện Kon Plông đã xác định “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai” nên những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm huy động nhiều nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết dạy học. Huyện cũng đã xây dựng chủ trương xã hội hóa giáo dục, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các tầng lớp nhân dân đã tích cực đóng góp để xây dựng trường lớp. Nhờ đó,  mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được đầu tư; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung, cải thiện. Toàn huyện hiện có 478 phòng học, bao gồm 428 phòng học kiên cố, 50 phòng học bán kiên cố đảm bảo phục vụ tốt cho việc dạy và học.

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS ở Kon Plông đã có những bước tiến rõ rệt. Năm học 2016 – 2017, tỷ lệ trẻ em DTTS từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,1%; huy động trẻ em DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học đạt 99,1%; tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học vào học trung học cơ sở đạt 92,9%; học sinh DTTS cấp trung học cơ sở có học lực từ trung bình trở lên đạt 94,7%…

Dù đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, vẫn còn một bộ phận học sinh DTTS chưa chuyên cần, vốn tiếng Việt ít; nhiều gia đình còn chưa quan tâm nhiều tới việc học tập của con em…Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao trách nhiệm trong việc giáo dục con em; ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho giáo dục vùng khó…nhằm đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS một cách bền vững.

Hương Nga (baokontum.com)