93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam: Khẳng định vai trò và năng lực thích ứng trong tình hình mới
Lượt xem:
Từ khi thành lập đến nay (28/7/1929-28/7/2022), với những tên gọi phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cách mạng Việt Nam.
93 năm qua, Công đoàn Việt Nam luôn là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, được giai cấp công nhân và người lao động tin cậy, gắn bó; là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan nhà nước, là sợi dây nối Đảng, Nhà nước với quần chúng công nhân lao động, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay), Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại Hà Nội đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của của Công đoàn Việt Nam ngày nay.
Ngay từ khi ra đời, bất chấp sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, cán bộ Công hội đỏ vẫn bám sát nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, tuyên truyền, vận động, tổ chức người lao động đấu tranh chống áp bức bóc lột, đòi độc lập dân tộc. Công đoàn Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong và lực lượng nòng cốt của giai cấp công nhân, sát cánh cùng nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sau khi giành chính quyền, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tiên phong trong xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền non trẻ, tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, diệt “giặc dốt, giặc đói”. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, Công đoàn Việt Nam đã động viên công nhân viên chức – lao động cả nước tích cực tham gia trên các mặt trận, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Công đoàn Việt Nam đã tổ chức, vận động công nhân viên chức – lao động ra sức thi đua, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tập trung chi viện cho chiến trường miền Nam. Cán bộ đoàn viên công đoàn đã lao động quên mình với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “tay búa, tay súng” phục vụ sản xuất và chiến đấu. Hàng vạn cán bộ đoàn viên công đoàn và thanh niên công nhân đã lên đường tòng quân, hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam, sát cánh cùng quân và dân miền Nam đánh Mỹ.
Ở miền Nam, trên cơ sở phát triển Hội lao động giải phóng, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được hình thành với hệ thống tổ chức hoạt động trong toàn miền. Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam đã vận động, tập hợp người lao động đấu tranh chống Mỹ và Chính quyền tay sai Sài Gòn trên tất cả các mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao bằng nhiều hình thức linh hoạt, đóng góp vào thắng lợi mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 6/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc đã quyết định hợp nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành Tổng công đoàn Việt Nam. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn vận động người lao động cùng quân dân cả nước bước vào thời kỳ cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam (từ ngày 17 đến 20/10/1988) quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Chỗ dựa vững chắc của người lao động trong mọi thời kỳ
93 năm qua, cùng với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng phát triển về mọi mặt, thể hiện rõ là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động qua mọi thời kỳ.
Với bản chất giai cấp công nhân Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, được các lãnh tụ cách mạng tiếp thu, chọn lọc và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế, Công đoàn Việt Nam luôn luôn là một tổ chức công đoàn cách mạng, gắn liền lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích toàn dân tộc, đồng hành với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ. Trải qua 93 năm hoạt động, Công đoàn Việt Nam đã đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn mang bản chất giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động, của đất nước.
Ngay từ khi thành lập, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã luôn sát cánh cùng phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động… Công đoàn Việt Nam chú trọng thực hiện chức năng đại diện và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam đều phục vụ lợi ích của công nhân, lao động, của đất nước và dân tộc. Các thế hệ cán bộ công đoàn đã tận tụy, hết mình vì sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam, với vai trò, chức năng của mình, đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo công nhân, lao động tạo thành lực lượng hùng hậu, thực hiện các mục tiêu cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, cùng với các tổ chức chính trị-xã hội khác tạo thành hệ thống chính trị vững chắc, đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Khẳng định vai trò và năng lực thích ứng trong tình hình mới
Trước những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, trong thời gian qua, Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động đồng hành với người lao động, doanh nghiệp, với Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do đại dịch gây ra.
Các cấp công đoàn chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp… nỗ lực vượt khó, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp. Hàng vạn cán bộ công đoàn ngày đêm tận tụy, bất chấp hiểm nguy tham gia chống dịch, kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động, tham gia sản xuất, kinh doanh, rất nhiều đồng chí trở thành cán bộ tuyến đầu.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách do Chính phủ ban hành hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Công đoàn cơ sở tích cực thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về phương án sản xuất đảm bảo duy trì việc làm và an toàn cho người lao động, về các chế độ lương, thưởng, quyền lợi bảo hiểm và phúc lợi cho người lao động.
Công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình để bảo vệ và chăm lo hỗ trợ người lao động, đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với nhiều mô hình hay, nhất là tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. “Nổi bật là các chương trình, hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; hỗ trợ các suất ăn miễn phí cho đoàn viên, người lao động trong thời gian cách ly; tổ chức phiên chợ 0 đồng, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện nước, sinh hoạt cho công lao động; đồng thời Công đoàn cũng đóng góp kinh phí chung tay cùng Chính phủ mua vaccine; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp mua vaccine để tiêm phòng cho công nhân lao động…
Những kết quả toàn diện của hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước đã chứng tỏ Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, cũng như góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.