BÌNH ĐẠM TRONG “MỘNG NGÂN SƠN ” VÀ “GIỌT TRĂNG” CỦA QUÁCH TẤN

Lượt xem:

Đọc bài viết

BÌNH ĐẠM TRONG MỘNG NGÂN SƠN ”  “GIỌT TRĂNG” CỦA QUÁCH TẤN

TS Lê Đắc Tường – Trường THPT Duy Tân – Kon Tum

 

(Bài viết đã được in trong kỷ yếu Hội thảo Phật giáo và văn học Bình Định: Thành tựu và giá trị, tháng 8/2018)

 

Bình đạm là kết quả của mối giao hòa độc đáo của Thiền tông với Lão Trang và trở thành một quy tắc mỹ học Trung Hoa. Ở Việt Nam, Bình đạm được xem là lý tưởng thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật trong văn học trung đại và sức lan tỏa của Bình đạm còn ảnh hưởng đến văn học hiện đại. Hai tập thơ “Mộng Ngân Sơn”  “Giọt trăng” của Quách Tấn là tiêu biểu của sự ảnh hưởng đó. Đây là hai tập thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của “kẻ nối dòng sư thi sĩ” Quách Tấn.

  1. Khái quát về Bình đạm trong quan niệm văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam

Bình đạm có nguồn gốc chủ yếu từ tư tưởng Lão Trang và Thiền tông. Bình đạm bao hàm ý nghĩa nhẹ mà cạn tương thông với “hư”, “vô”, “tĩnh”. Chỉ có Bình đạm mới có thể tĩnh lặng, mới có thể phá chấp, vô ngã. Bình đạm là kết quả của mối giao hòa độc đáo của Thiền tông và Lão Trang. Hai tư tưởng có sự đồng điệu rất đặc biệt, trong đó cả hai đều đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh. Có thể nói rằng Bình đạm là Đức của Đạo, vì vậy Bình đạm vừa là bản thể, vừa là quy luật, đồng thời là dụng của Đạo. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Hoàng Hà Đào khẳng định: “Bình đạm là một nội hàm bao gồm toàn bộ diễn tiến của nó từ Đạo gia đến Thiền gia… Bình đạm hợp với sự phát triển từ thế giới quan tự nhiên của Đạo gia đến tâm bình thường của Thiền gia[1].

Bản chất của Bình đạm bao gồm mộc, phác, chuyết, hư vị. Từ phương diện nghệ thuật, Bình đạm có nghĩa là phẳng lặng, nhạt. Tuy nhiên, phẳng lặng và nhạt ở đây là một cảm thức thẩm mỹ với nội hàm rất uyên áo.

Trong nghệ thuật, Bình đạm biểu hiện rất rõ và thống nhất trong hội họa, thơ và nhạc. Đó là tôn sùng sự giản dị, bình thường, mờ ảo, phẳng lặng. Ở Trung Quốc, ban đầu Bình đạm bị xem như là giá trị tiêu cực, không được đánh giá cao trong quan niệm sáng tác. Sau đó, ý thức được rằng đằng sau sự tẻ nhạt, bình dị, dửng dưng là cả khoảng trống nhiệm mầu, một sự nồng ấm đến vô tận. Vì vậy, Bình đạm trở thành giá trị tích cực và có ý nghĩa quan trọng trong sáng tác văn chương. Từ thời Lục Triều, Lưu Hiệp đã có quan niệm về Bình đạm, Chung Vinh khi bàn về thơ đã đề cập trực tiếp đến yếu tố Bình đạm. Đời Đường, Bình đạm mang ý nghĩa tích cực, tường minh, tiêu biểu là Tư Không Thự. Đời Tống, Mai Nghiêu Thần, Âu Dương Tu, Nghiêm Vũ, xem Bình đạm là lý tưởng sáng tạo thi ca. Đến đời Thanh, Bình đạm được công nhận như một ý thức hệ như quan niệm của Lưu Đại Khôi, Viên Mai, Vương Sĩ Chân. Bình đạm trở thành hạt nhân của phong cách “thanh trừng đạm viễn”, gắn với khuynh hướng Thiền Lão – một trong ba khuynh hướng cơ bản của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc[2].

Trong văn học trung đại Việt Nam Bình đạm biểu hiện rất rõ, đa dạng trong quan niệm văn học và thực tiễn sáng tác.

Trong quan niệm văn học, Bình đạm thể hiện trên hai khía cạnh: Thứ nhất: Một số tác giả thông qua nhận xét về văn chương thời xưa, về các tác giả mà mình ái mộ, để từ đó nêu lên quan niệm Bình đạm của mình. Tiêu biểu: Nguyễn Dữ, Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, Nhữ Bá Sĩ, Miên Trinh, Nguyễn Đức Đạt,…Thứ hai: Một số tác giả khác trình bày trực tiếp quan niệm Bình đạm của mình qua các bài bạt, tựa, bình. Tiêu biểu: Nguyễn Dữ, Nguyễn Cư Trinh, Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Dưỡng Hạo, Vũ Duy Thanh,… Các tác giả này đã đề cập đến Bình đạm ở các phương diện: ý nghĩa của Bình đạm, Bình đạm gắn với tự nhiên, sự thô vụng, giản dị; Bình đạm dưới góc độ ngôn từ; Bình đạm gắn với tư tưởng.

Trong thực tiễn sáng tác, nhiều tác giả trung đại Việt Nam lấy Bình đạm làm tiêu chuẩn. Từ thơ thiền thời Lý – Trần đến các nhà thơ thời Lê – Nguyễn theo khuynh hướng Thiền-Lão đều mang màu sắc Bình đạm. Bình đạm trở thành phong cách nghệ thuật trong thơ trung đại Việt Nam. Đến những năm đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam dần chuyển sang thời kỳ hiện đại với các trào lưu văn học gắn với văn hóa phương Tây, tiêu biểu là thơ mới. Tuy nhiên, Bình đạm vẫn có vị trí quan trọng trong thơ hiện đại Việt Nam, trong đó thơ Quách Tấn là một điển hình.

  1. Bình đạm trong “Mộng Ngân Sơn”  “Giọt trăng” của Quách Tấn
  2. Vài nét về sự nghiệp văn học của Quách Tấn

Quách Tấn tự Đăng Đạo, hiệu là Trường Xuyên. Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1910 tại thôn Trường Định, Bình Khê, tỉnh Bình Định, từ trần vào ngày 21 tháng 12 năm 1992 tại Nha Trang.

Sinh ra, trưởng thành, sáng tác trong thời hiện đại, trong không khí thơ mới, thơ tự do ngập trời thì Quách Tấn vẫn “Một tấm lòng” với “Mùa cổ điển”. Chính Quách Tấn đã quan niệm: “Đối với thơ, tôi không tách biệt mới và . Tôi lựa thể Đường luật vì thấy thích hợp với tâm hồn mình. Vì đã lựa được con đường đi nên từ 1932 đến 1941, mặc dù phong trào Thơ Mới sôi nổi, tôi vẫn giữ thể Đường luật”. Tuy Quách Tấn được xem là nhà thơ Đường cuối cùng của Việt Nam, nhưng thơ ông vẫn mang hơi thở của thời đại, là nhà thơ cũ nhưng trong thơ Quách Tấn vẫn mang tình mới, ý mới. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã xếp Quách Tấn vào hàng ngũ của những nhà thơ mới, bởi chính Hoài Thanh cũng nhìn thấy cả phương Đông lẫn phương Tây, cổ điển lẫn hiện đại trong thơ Quách Tấn: “Cảm được lòng người đàn bà khó chìu kia (thơ Đường) họa chỉ có Quách Tấn… Nhưng Quách Tấn có thực là một nhà thơ cũ hoàn toàn? Có thực Quách Tấn không bao giờ mơ tưởng bạn phương xa[3].

Quách Tấn bắt đầu sáng tác từ năm 1932 và năm 1933 ông đã có các tác phẩm thơ được đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân, Tiểu thuyết thứ bảy,… Ông đã sáng tác trên 1500 bài thơ Đường luật, các tập thơ tiêu biểu của ông bao gồm: “Mùa cổ điển”, “Một tấm lòng”, “Mộng Ngân Sơn”, “Giọt trăng”, “Ðọng bóng chiều”,… Bên cạnh thơ, Quách Tấn còn sáng tác các tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu: “Trăng ma lầu Việt”, “Nước non Bình Định”, “Xứ Trầm hương”, “Đời Bích Khê”,… Ngoài ra Quách Tấn còn để lại những tác phẩm dịch như “Lữ Đường Thi tuyển” “Ngục trung thư” “Tố Như thi”, “Nghìn lẻ một đêm”,…

Trong sự nghiệp văn học của Quách Tấn, nổi bật hơn cả vẫn là lĩnh vực thơ. Đến nay, đã có nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu đánh giá về thơ Quách Tấn như Tản Đà, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh, Phạm Công Thiện, Trần Phong Giao, Thi Vũ, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Thế Ngũ, Vũ Ngọc Phan, Lê Trí Viễn, Trần Đình Sử,… Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao thơ của Quách Tấn và cho rằng Quách Tấn có vị tri xứng đáng trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Trong những đánh giá về thơ Quách Tấn, đáng chú ý là những nhận định của Phạm Công Thiện và Trần Phong Giao, khi hai ông cho rằng thơ Quách Tấn càng về sau đã “thấy”, đã “nhập” vào Thiền, đã “cảm dưỡng hào khí của Thiền tông Việt Nam” và là kẻ nối dòng của các vị thiền sư. Chính từ nhận định đó, chúng tôi quyết định nghiên cứu thơ Quách Tấn với tâm thế tìm hiểu Bình đạm trong thơ ông. Bởi Bình đạm là sự biểu hiện rất rõ tư tưởng Thiền-Lão. Tuy nhiên, thơ Quách Tấn khá nhiều, do giới hạn bài viết, vì vậy chúng tôi chỉ nghiên cứu hai tập thơ “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng”. Đây là hai tập thơ như Trần Phong Giao đã nhận định là có “khí vị Thiền lung linh, bàng bạc” và được Thi Vũ đánh giá rất cao: “Trong Mộng Ngân Sơn người thơ đã lên tới đỉnh. Nay qua Giọt trăng, thi nhân bước xa vào cõi Như Nhiên hùng vĩ[4].

  1. Bình đạm trong “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng” của Quách Tấn

Như đã đề cập ở trên, Bình đạm là sản phẩm giao hòa độc đáo giữa Lão Trang và Thiền tông. Bình đạm có nghĩa là phẳng lặng, đơn sơ, mờ nhạt, tương thông với Tự nhiên, Hư tĩnh và nội hàm, ý nghĩa của Bình đạm rất phong phú, uyên thâm, là một ý niệm rất khó để định nghĩa được. Vì vậy, việc tìm hiểu Bình đạm trong thơ Quách Tấn qua hai tập thơ “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng” cũng rất khó tường minh. Tựu trung lại, Bình đạm trong “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng” được biểu hiện qua các nội dung sau:

2.1.Bình đạm gắn với tự nhiên, cụ thể là tư tưởng hòa đồng, chuộng tự nhiên

Trong văn học cổ điển Việt Nam, những tác giả chịu ảnh hưởng của Nho giáo xem tự nhiên là đối tượng để người sáng tác miêu tả, chia sẻ tâm trạng, gởi gắm nỗi niềm. Đối với những tác giả chịu ảnh hưởng của Thiền-Lão thì giữa tự nhiên và con người có sự giao cảm, cộng hưởng, khi đó giữa người và tự nhiên là nhất thể. Quách Tấn thuộc dạng thứ hai, tự nhiên trong thơ Quách Tấn đượm màu sắc Thiền-Lão.

Trong tổng số 235 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của hai tập thơ “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng”, hầu hết mỗi bài thơ đều là cảnh tự nhiên xinh đẹp của quê hương, đặc biệt là hình ảnh các sinh vật tự nhiên, thân thương nơi đồng quê. Từ các loài hoa như hoa quỳnh, cúc, tường vi, trinh nữ, lài, sứ, phù dung, mận, mướp, bưởi, sim…; các loài cây như mận, mướp, cỏ chỉ, lúa, cam, chuối, cau, trúc,…; đến các loài vật như sò, chuồn chuồn, chim quạ, chim sẽ, chàng hiu, dế,… đều là những hình ảnh sinh động và đầy đặn ý và tình của tác giả. Những hình ảnh đó đã được Quách Tấn trao linh hồn và tâm tính, hòa quyện thành nhất thể. Bởi Quách Tấn quan niệm: “Tâm tôi hòa với cảnh, tâm cảnh thông cảm với nhau, phản ảnh lẫn nhau, tôi không còn phân biệt nội tâm, ngoại cảnh. Những cảnh trong thơ tôi là hình ảnh của lòng tôi[5]

Quách Tấn trân quý, nâng niu, sùng thượng tự nhiên. Trước tự nhiên, Quách Tấn rất khiêm nhường với thái độ không chỉ “không nỡ” mà còn “nghiêng lòng”. Ở đó tự nhiên như rung cảm, tán dương với cử chỉ trang nhã của người làm thơ:

Tình quê phong nhụy thắm

Đơn chiếc nở bờ sương

Không đưa tay nỡ hái

Nghiêng lòng đón lấy hương.

(Đón hương-Mộng Ngân Sơn)

            Không chỉ là “không nỡ”, “nghiêng lòng”, trong bài thơ Tình hoa-Giọt trăng, Quách Tấn còn thể hiện tư tưởng hòa quyện tuyệt đối với tự nhiên:

                                             Thương hoa không nỡ hái

                                                Hoa rụng càng thêm thương

                                                Vén cỏ chiêu hồn lại

                                                Ngàn xanh hiu gió sương.

Ở bài thơ này, trước quy luật của tạo hóa, Quách Tấn không chỉ thể hiện sự đồng cảm với tự nhiên mà còn thể hiện quan niệm sắc, không, vô thường của đạo Phật. Tự nhiên trong thơ Quách Tấn vừa có tính thẩm mỹ vừa có tính triết lý và tâm linh. Qua hai bài thơ trên, Quách Tấn đã hòa quyện cùng tự nhiên, giữa tiểu ngã và đại ngã để làm thành khối đồng nhất. Điều này càng thể hiện rõ hơn qua bài thơ sau:

Vỏ sò khô ấp ủ

Niềm băng tuyết đêm sương

Muôn xa bờ bến cũ

Vang vọng sóng trùng dương.

(Ấp ủ-Mộng Ngân Sơn)

Với một vỏ sò khô, Quách Tấn đã gửi vào đó một tâm hồn, một sức sống vĩnh cữu. Vỏ sò khô là một thực thể chết nhưng Quách Tấn đã nghe trong nó tiếng vang vọng của biển khơi. Sự sống hay cái chết đồng hiện trong thế giới hiện hữu. Võ sò và biển cả, tiểu ngã và đại ngã tương duyên với nhau. Đây là bài thơ Quách Tấn rất tâm đắc và đã thai nghén trong 15 năm (1947-1963). Bài thơ thể hiện triết lý “bất diệt”, “tùy duyên bất biến” của đạo Phật.

Nếu hiểu Thiền là một thái độ sống, một phong cách sống của người đã thể hiện được sự huyền đồng giữa tiểu ngã và đại ngã, thì Quách Tấn, qua những bài thơ trên của đã là một thiền gia. Và nếu thơ Thiền Việt Nam xem tự nhiên là lý tưởng thẩm mỹ chính yếu, là nguồn sáng tạo nghệ thuật, thì Quách Tấn đã xứng đáng là người nối dòng sư thi sĩ.

Tự nhiên trong thơ Quách Tấn mang sắc thái Bình đạm, nó là cái “như nó vốn có”, mang tính mộc, phác, chuyết. Tự nhiên trong thơ Quách Tấn không hẳn là “hiện thực biểu tượng” càng không phải “hiện thực phúng dụ”, mà là hiện thực “mượn tâm tả cảnh[6], một kiểu hiện thực phổ biến trong thơ cổ phương Đông. Thơ Quách Tấn không nhằm mục đích tả tự nhiên mà cốt yếu là cái nhìn và tâm trạng, là một tấm lòng thanh cao, tự tại cùng với một chút buồn cô liêu thể hiện sự tĩnh lặng của vũ trụ, một trạng thái tâm linh gắn với Thiền.

2.2. Bình đạm gắn với sự tĩnh lặng

Trong “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng” rất nhiều bài thơ là một sự tĩnh lặng; tĩnh lặng của cảnh vật, tâm hồn và quan trọng hơn là tĩnh lặng trong giác ngộ.

Nói về sự tĩnh lặng của tự nhiên và lòng người, có lẽ mùa thu sẽ là thích hợp nhất. Trong 235 bài thơ của “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng” của Quách Tấn có 12 bài thơ nói về mùa thu và sự tĩnh lặng. Mỗi bài thơ về mùa thu là một bức tranh tĩnh và thanh vắng. Sau đây là ba bài tiêu biểu về mùa thu ở ba thời điểm trưa, chiều, tối. Bóng trời xưa là một bức tranh mùa thu vào buổi trưa, ở đó có hồ thu, nắng trưa, hàng dương đều rất tĩnh và sự tĩnh đó càng tăng thêm khi xuất hiện cái động nhẹ nhàng của cánh bướm. Đó cũng là lúc Quách Tấn nhớ về cố hương:

                                    Đôi hồ thu ngậm biếc

                                    Thăm thẳm bóng trời xưa

                                    Cánh bướm bờ hương động

                                    Hàng dương giọt nắng trưa.

(Bóng trời xưa-Giọt Trăng)

Đến chiều, với nắng, gió thu lạnh, không gian trở nên tĩnh mịch hơn, ở đó cũng có cái động của con cò đơn chiếc và tâm trạng của tác giả cũng trở nên thổn thức hơn:

            Nắng chiều thu trở lạnh

                                                Buồn vướn ngọn heo may

                                                Lặng lẽ hồ in bóng

                                                Con cò đơn chiếc bay.

(Lặng lẽ-Mộng Ngân Sơn)

Đến đêm thì thu đã không chỉ là mùa thu mà là lòng thu. Cũng chỉ một tiếng động thoảng của chuông chùa vọng lại, trong bóng đèn khuya, cùng với tĩnh của mùa thu, tâm trí của tác giả cũng trở nên hư tĩnh. Bài thơ mở đầu bằng tiếng chuông chùa, kết thúc bằng trạng thái hư tĩnh, giác ngộ:

                                                Thoảng tiếng chuông chùa vọng

                                                Bóng đèn khuya rung rinh

                                                Nao nao lòng giếng quạnh

                                                Hơi thu tràn hư linh.

(Thâm u-Mộng Ngân Sơn)

Bài thơ này làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng bởi cảm quan Phật giáo Thiền tông. Khi bàn về thiên nhiên trong thơ Phật giáo thời Lý – Trần, Nguyễn Công Lý đã nhận định: “… khi con người đạt đến cái tâm trong suốt, vắng lặng. Lúc đó, con người có thể nhập cái tâm của mình làm một với cái tâm bản thể chân như vũ trụ, đất trời vạn vật[7].

Tâm trí hư tĩnh là điều kiện để thấu triệt chân lý giác ngộ. Sinh thời Quách Tấn thường ngồi thiền, khi trần cấu lắng hết, lòng thanh tịnh hòa đồng cùng vận vật và trí tuệ tỏa sáng. Trong trạng thái đó, một cái búng chân nhảy của con cào cũng đủ khiến bầu trời buổi chiều thu xao động và lòng người rung chuyển, tiểu ngã hòa vào đại ngã:

Nước ngậm trời long lanh

Con cào cào áo xanh

Bờ cao búng chân nhảy

Mây chiều thu rung rinh.

(Búng chân-Mộng Ngân Sơn)

Và bài thơ sau đây, nếu nói tĩnh để ngộ cũng đúng và từ hư, vô đến thấu triệt cũng không sai:

                                    Mưa xửng rừng thêm vắng

                                    Mong tìm một bóng chim

                                    Gió rung cành rụng nắng

                                    Bừng sáng cánh hoa sim.

(Cánh hoa sim-Mộng Ngân Sơn)

Ba câu đầu của bài thơ là tĩnh, vô, hư, nhưng câu cuối cuối là hữu, là sự bừng sáng của trí tuệ, là sự giác ngộ chân lý. Câu cuối của bài thơ gợi nhớ đến câu: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Mác Giác thiền sư thời Lý.

2.3. Bình đạm gắn với bình dị, mộc mạc, nhưng đằng sau là cả một sự nồng ấm

Như đã nói, Bình đạm gắn với tự nhiên, mà tự nhiên với đặc tính là phác cũng có nghĩa là mộc mạc, bình dị. Hình ảnh trong thơ của Quách Tấn rất mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đầy sự nồng nàn.

Sự mộc mạc, bình dị trong thơ Quách Tấn được biểu hiện thông qua các loài hoa hết sức giản dị như hoa trinh nữ, cau, lài, sứ, phù dung, mận, mướp, bưởi, sim…; các loài cây đời thường như mận, mướp, cỏ chỉ, lúa, cam, chuối, cau,… và các loài vật gần gũi như sò, cào cào, chuồn chuồn, chim quạ, chim sẽ, chàng hiu, dế,… Tuy nhiên, từ những hình ảnh bình dị, mộc mạc đó gợi lên nhiều điều trong đó có tấm lòng, tâm trạng và tư tưởng của tác giả.

Trong Chiều tiễn biệt, hình ảnh con sông, ngọn gió, bờ lau, cánh buồm, lá, mưa là những hình ảnh rất đổi thân quen ở vùng quê, nhưng khi vào thơ đều trở thành những hình ảnh mang nặng tâm trạng li biệt của Quách Tấn:

                                    Sông dồn hơi gió lạnh

                                    Bờ hút bóng lau thưa

                                    Đứng đợi buồm xa khuất

                                    Ngày chiều lá đổ mưa

(Chiều tiễn biệt-Mộng Ngân Sơn)

Ở trên đã dẫn ra những bài thơ có hình ảnh con sò, con chuồn chuồn, con cào cào, con cò,… những hình ảnh đó đều rất bình dị và là những hình ảnh mang tâm trạng và triết lý. Hình ảnh con cò đơn chiếc trong bài thơ Lặng lẽ (đã trích ở trên) xuất hiện ở cuối bài thơ và mang tâm trạng buồn, cô đơn của tác giả. Con cò trong Dòng thu xuất hiện từ câu thơ đầu tiên, tượng trưng cho sự nhỏ nhoi, vô thường. Nhưng trong cái nhỏ bé, vô thường đó lại xuất hiện sự bao la, thường hằng và bất diệt của vũ trụ:

                                    Co ro thân cò lép

                                    Bến lạnh đứng rình mồi

                                    Bát ngát dòng thu quyện

                                    Mây chiều lơ lửng trôi.

(Dòng thu-Mộng Ngân Sơn)

Hình ảnh bờ ao, cỏ chỉ, ngọn gió nồm, con chuồn chuồn cũng là những hình ảnh thân thương, bình dị và khi được Quách Tấn để tâm thì đã trở nên rất sinh động, đầy chất thơ và tính triết lý. Đó là những hình ảnh thể hiện rõ tấm lòng ưu ái của tác giả đối với thiên nhiên và sự an nhiên, ung dung trong tâm hồn của của tác giả:

                                      Bờ ao cọng cỏ chỉ

                                    Lả lướt ngọn nồm đưa

                                    Con chuồn chuồn điểm nước

                                    Mong dừng chân nghỉ trưa.

(Ao trưa-Giọt trăng)

Từ đặc tính vốn có của loài hoa quỳnh và hoa phù dung, Quách Tấn triết lý về  vô thường, thường hằng, rồi từ đó cùng “nhìn nhau một lối”. Một cái nhìn trân quý, chung thủy và đầy trí tuệ đối với thiên nhiên, như Thi Vũ đã từng bình: “Còn đôi mắt nào ôm đủ và trọn vẹn tình yêu và trí tuệ như thế[8]:

                                    Hoa quỳnh sống nửa đêm

                                    Hoa phù dung một buổi

                                    Nghìn trước tiếp nghìn sau

                                    Mắt nhìn nhau một lối.

(Mãi còn-Giọt trăng)

2.4. Bình đạm gắn với thái độ sống tự tại, an nhàn

Khi “Bàn về cái nhạt”[9], Françoise Jullien đã nói rất hay về Bình đạm của người nghệ sĩ. Ông cho rằng, biểu hiện của Bình đạm của người nghệ sĩ đó chính là “sự dửng dưng”. Trong thơ cổ điển Việt Nam, “sự dửng dưng” này đã được các tác gia cổ điển thể hiện ở thái độ an nhiên, tự tại, vô úy trước sinh tử, thịnh suy. “Sự dửng dưng” của các nhà thơ cổ điển Việt Nam hoàn toàn không hàm nghĩa tiêu cực, vô trách nhiệm. Đây là thái độ của những con người đã thấu hiểu lẽ sinh tử, hiểu rõ tự nhiên, sống hòa điệu cùng quy luật. Họ sống khiêm tốn, mờ nhạt bên ngoài để nuôi dưỡng cái bên trong là tài năng, phẩm hạnh và cả sự diệu ngộ.

Thơ của Quách Tấn tuy không đậm đặc nhưng cũng có “sự dửng dưng” của người xưa, đó là sự nhận chân được vô thường, từ đó có được sự an nhàn tự tại và giác ngộ trong cuộc sống.

Sự dửng dưng” của Quách Tấn trước hết là ở nhận thức. Ông đã “Vốn biết lẽ vô thường” (Đắp mộ) nên đã không còn phân biệt thị phi, chân ngụy.

Trang khuya là bài thơ cuối cùng của tập thơ Mộng Ngân Sơn, nhà thơ “đứng ngoài cảnh thực nhìn vào mộng, nhưng mộng không huyễn mà chân, trường tồn và bất biến[10]:

Gởi gắm dòng tâm sự

Trang khuya nến ửng hồng

Muôn nghìn sau ngoảnh lại

Dù mộng chẳng hư không.

(Trang khuya-Mộng Ngân Sơn)

Đến bài Nở xuân của tập thơ Giọt trăng, nhà thơ đã nghiệm ra, đã trực cảm được cái lẽ “Là mộng cũng là chân” để hương mùa xuân ngào ngạt mãi trong lòng:

Mười hai mùa lá rụng 

Đây mùa hương nở xuân 

Theo duyên lòng chẳng đổi

Là mộng cũng là chân.

(Nở xuân-Giọt trăng)

Và đến Bên giàn mướp của tập thơ Giọt trăng, tư tưởng nhất nguyên của tác giả đã hiện rất rõ và khi đó con người có thể thấu triệt vạn vật, trở nên tiêu dao ngay chính trong cuộc đời:

Lặng xem giàn phí thúy

Lần trải nắng huỳnh kim

Lòng không phân chân ngụy

Ngàn xa đôi tiếng chim.

(Bên giàn mướp-Giọt trăng)

Với triết lý như vậy, nên chúng ta thường bắt gặp trong thơ một Quách Tấn sống an nhàn, tự tại trong cuộc đời dâu bể. Trong cảnh đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của vườn hồng, tiếng sẻ, của mặt trời, gió thổi,… hình ảnh con sâu già ngủ quên gợi lên nhiều điều, ở đó thấp thoáng hình ảnh của tác giả:

Vườn hồng vang tiếng sẻ

Gió thổi mặt trời lên

Hương ấm hoa hàm tiếu

Con sâu già ngủ quên.

(Vườn hồng-Mộng Ngân Sơn)

Và đây cũng là hình ảnh hết sức ung dung, lạc quan, yêu đời của tác giả:

Song chiều ôm sách ngủ

Đường tạnh gót phong sương

Gió mận hiu hiu thổi

Đầy sân rải trắng hương.

(Giấc chiều xuân-Mộng Ngân Sơn)

Tương tự, đây là Quách Tấn trong Giọt trăng:

Chim chiều kêu trước dậu

Gối sách nhìn hư không

Phơi phới làn mây trắng

Bay qua ngọn ráng hồng.

(Hư tâm-Giọt trăng)

Gối sách nhìn hư không” là hình ảnh đã vượt qua sự ung dung, tự tại mà hướng đến giác ngộ, siêu thoát. Bài thơ Thoáng hiện đã thể hiện rõ điều này:

Nghìn xưa không còn nữa

Nghìn sau rồi cũng không

Phảng phất bờ trăng rạng

Hương Ưu Đàm trổ bông.

(Thoáng hiện-Mộng Ngân Sơn)

Đây là bài thơ được khắc trên bia mộ của Quách Tấn. Hai cầu đầu là vô, hai câu sau là hữu. Vô, dù nghìn xưa hay nghìn sau và đó cũng là triết lý vạn vật vô thường. Hữu là cái thường hằng bất diệt của vũ trụ, là sự giác ngộ chân lý. Giữa cái hữu và cái vô không có ranh giới. Trăng không mất mà mãi rạng, hoa Ưu Đàm vẫn nở. Trăng tượng trưng cho trí tuệ Bát Nhã, hoa Ưu Đàm tượng trưng cho đấng giác ngộ. Bài thơ như một lời kinh thoáng hiện, người thơ dù có mất nhưng hương thơ vẫn còn nở mãi.

Trong phong trào thơ mới, khi cái tôi được đẩy lên tuyệt đối như của Xuân Diệu: “Ta là Một, là Riêng là Thứ Nhất, Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (Hy Mã Lạp sơn), hay cái tôi vẫn đang “ngơ ngác” như của Lưu Trọng Lư, thì Quách Tấn vẫn sống tự tại, an nhàn, siêu thoát mang sắc thái Bình đạm. Bình đạm của Quách Tấn gợi nhớ cách sống của các nhà nho ở ẩn như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… và vẫn nằm trong phạm trù phi ngã của văn học trung đại.

2.5. Bình đạm thể hiện ở những bức tranh có gam màu nhạt

Có thể nói rằng, những bài thơ về thiên nhiên của các tác giả trung đại đều có nét đặc trưng là “Thi trung hữu họa”. Mỗi bài thơ là một bức tranh thủy mặc với vài nét chấm phá, với gam màu nhạt, nhưng trong sáng, sâu sắc. Gam màu nhạt được thể hiện trước hết là những hình ảnh thiên nhiên không sặc sỡ, lòe loẹt mà hết sức mộc mạc, bình dị. Đó có thể là những hình ảnh của thiên nhiên ẩn hiện mờ xa như núi non, sông suối, áng mây, mưa, trăng,… Đó cũng có thể là những hình ảnh rất đời thường như: am cỏ, lều tranh, phên tre, giếng cổ, thềm nhà,… Tất cả những hình ảnh thiên nhiên đó được các thi nhân vẽ nên một cách chân thực, đơn sơ, gắn với màu nhạt của mùa thu, trời chiều, đêm khuya, làng quê, khói, mưa, rêu xanh,…

Với Quách Tấn, mỗi bài thơ tả cảnh thiên nhiên cũng là một bức tranh thủy mặc, gắn với gam màu nhạt, những bức tranh đó lại chứa đựng nhiều sức sống và rất sâu sắc.

Trong 235 bài thơ của Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng, hầu hết đều là những bài thơ có gam màu nhạt, không lòe loẹt.

Bài thơ đầu tiên trong tập Mộng Ngân Sơn đã mang màu sắc Bình đạm:

                                    Song trưa cài gió bấc

                                    Buồn tựa gối thiu thiu

                                    Giấc mộng Ngân Sơn tỉnh

                                    Sương lam đọng bóng chiều.

(Mộng Ngân Sơn-Mộng Ngân Sơn)

            Và nhiều bài trong tập Mộng Ngân Sơn cũng tương tự như thế, đây là bài tiêu biểu:

Nắng nhạt ánh sương mờ

Chuồn chuồn bay nhởn nhơ

Chung đoàn con bướm trắng

Trời lạnh cánh bơ vơ.

                                    (Trong sương-Mộng Ngân Sơn)

Đến tập thơ Giọt trăng, bài thơ đầu tiên cũng là một bức tranh rất đẹp với gam màu nhạt:

                                    Chùa ẩn non mây trắng

                                    Bóng in hồ liễu xanh

                                    Mai chiều chuông đã tạnh

                                    Vòng sóng còn long lanh.

(Tiếng ngân-Giọt trăng)

            Những bức tranh màu nhạt trong tập Giọt trăng thường gắn với mùa thu. Ở đó có vẻ đẹp tĩnh lặng của cảnh vật và thấp thoáng hình ảnh thi nhân với phong thái ung dung, bình thản:

                                                Thu lạnh mướp tàn hoa

                                                Vườn không ong bướm qua

                                                Song khuya ngồi xếp sách

                                                Sương lóng giọt trăng tà.

(Khuya vắng-Giọt trăng)

                                      Hiên mận dừng tay bút

                                    Chiều rơi chiếc lá khô

                                    Ngõ ngoài xe ngựa vắng

                                    Xóng xánh nước hồ thu.

(Dừng tay bút-Giọt Trăng)

Như vậy, từ gam màu nhạt, hình ảnh thơ Quách Tấn thiên về những đường nét, màu sắc giản đơn, hình ảnh cảnh vật mộc mạc. Mới nhìn sẽ thấy nó rất bình dị, tuy nhiên chính sự đạm phác đó lại làm nên một bức tranh toàn cảnh có chiều sâu, càng cảm càng thấy đẹp. Đây chính là những hình ảnh giản dị, tinh túy, giàu ý nghĩa, tạo những khoảng trống im lặng giàu sức gợi mở, tái hiện trong sự bừng ngộ, sự kết nối con người và thiên nhiên:

                                                Trăng lên đồi Trại Thủy

                                                Chuông khuya ngời âm ba

                                                Bồi hồi mây khóa viện

                                                Sân bồ đề sương sa.

(Bồi hồi-Mộng Ngân Sơn)

Những bức tranh màu nhạt trong thơ Quách Tấn thường gắn với mùa thu, gắn với tiếng chuông chùa, gắn với thời gian chiều, tối, gắn với cảm quan Thiền, nên cũng có nét nửa hư, nửa thực như kiểu “bán vô, bán hữu” của Trần Nhân Tông trong Thiền Trường vãn vọng. Những bài thơ đã trích ở trên và bài thơ sau đây là tiêu biểu cho điều đó:

                                    Áo giũ ngày sương gió

                                    Lên chùa thăm cố nhân

                                    Non nghiêng thềm nắng xế

                                    Lịu địu bóng nhàn vân.

(Lịu địuMộng Ngân Sơn)

Bài hơ này rất đúng với nhận xét của Trần Phong Giao về thơ Quách Tấn: “Thơ Quách Tấn cũng là cổ ngoạn, nhưng khi thưởng thức những nét chạm trổ trong thơ ông người ngắm còn bắt gặp, ngoài tiếng nói của tấm lòng, cả làn sóng nao nao sâu xa nhất cõi tâm hư[11].

2.6. Bình đạm gắn với việc sử dụng ngôn ngữ bình dị và tứ thơ ngắn gọn

Trong Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng, thể thơ không mới nhưng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ lại rất mới.

Ngôn ngữ trong thơ Quách Tấn là thứ ngôn ngữ bình dị, hồn nhiên. Những bài thơ trong Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng, tuy là thơ Đường luật nhưng ngôn ngữ lại rất giản dị gắn với đời thường. Sự giản dị, đời thường đó lại có sức lay động lòng người, làm cho lòng người phải “nắng mưa”:

                                    Trăm năm lời thệ ước

                                    Mây nước bến đò xưa

                                    Người cũ đừng qua tới

                                    Cho lòng đỡ nắng mưa.

(Bến đò xưa-Mộng Ngân Sơn)

Và đây là những thanh âm rất đời thường:

                                    Cảm ơn ông hàng xóm

                                    Ngừng mở máy thu thanh

                                    Võng đưa thềm mận chín

                                    Nghe sẻ gọi bình minh.

(Tiếng vui- Mộng Ngân Sơn)

Bài thơ tưởng rất đơn giản, đơn giản ở lý do làm bài thơ, đơn giản ở lời thơ, nhưng đọc kỹ chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều thú vị. Âm thanh của máy thu thanh là giả tạo, là sự hỗn tạp của cuộc sống. Tiếng chim sẻ là âm thanh tự nhiên, là âm thanh của trời đất, chính âm thanh đó mới có bình minh của sự sống, mới làm cho con người trở nên tự tại.

Trong tập Giọt trăng, hai bài thơ Nụ hương và Cành thơm tiêu biểu cho việc sử dụng ngôn ngữ bình dị của Quách Tấn. Nụ hương là vẻ đẹp hồn nhiên, an lành của trẻ thơ khi đang ngủ. Bài thơ với ngôn từ giản dị như ca dao nhưng ẩn chứa trong nó là cả một tình yêu của tác giả đối với trẻ thơ nói riêng và cuộc sống nói chung:

                                     Trên hàng mi bé ngủ

                                    Đoàn bướm mộng du dương

                                    An lành môi nở nụ

                                    Hoa muôn lòng đơm hương.

(Nụ hương- Giọt trăng)

             Cành thơm, cũng với ngôn từ bình dị nhưng đã đặc tả được vẻ đẹp tươi mát của buổi sáng với cây lá, chim muông, sương sớm, ánh nắng ban mai. Quan trọng hơn, bài thơ đã thể hiện được tinh thần lạc quan và triết lý của nhà thơ: “Xuân là mùa Thơ. Thu là mùa Đạo[12]:

                                    Cành sương thơm sắc lá

                                    Nắng đọng lòng chim ca

                                    Nghìn trước thu đương trái

                                    Nghìn sau xuân nở hoa.

(Cành thơm-Giọt trăng)

Bình đạm trong Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng của Quách Tấn còn thể hiện ở tứ thơ ngắn gọn, đặc biệt là thơ tứ tuyệt.

Như đã nói thơ của Quách Tấn là thơ Đường luật và 235 bài thơ trong Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng đều là thơ ngũ ngôn tứ tuyệt (ngũ tuyệt). Có lẽ sau thơ Haiku của Nhật Bản, thơ ngũ ngôn tứ tuyệt là ngắn nhất. Đây là thể thơ ngắn gọn nhưng giàu sức chứa, gợi nhiều hơn là tả, chú trọng ở lớp ý nghĩa ngầm ẩn thôi thúc người đọc không ngừng khám phá. Nói như Thi Vũ đây là thể thơ: “Bình dị mà sấm nổ. Âm thầm mà chuyển phá. Hiền hòa mà vũ bão. Xuất thần![13]

Có thể nói rằng, mỗi bài thơ Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng của Quách Tấn, dù chỉ 20 chữ nhưng sức gợi của nó thì vô cùng, đặc biệt là câu thơ cuối.

Bài thơ An lành, ba câu đầu nhà thơ tả thực hình ảnh những nhà sư đi khất thực, đó là những hình ảnh thân quen, đẹp đẽ và đầy ý nghĩa cả đạo lẫn đời. Đến câu thơ cuối: “An lành mây bốn phương” như một lời kinh nguyện cầu, đó là một sự gợi để người đọc suy ngẫm, khám phá:

Run run tay bình bát

Đường trưa thân áo vàng

Từng bước theo từng bước

An lành mây bốn phương.

(An lành-Mộng Ngân Sơn)

Và đây là chất hùng tráng thời dựng nước đã được Quách Tấn tái hiện lại qua bài thơ Chiến sĩ:

Nơi cao dừng vó ngựa

Lòng thẹn đá ghi công

Quăng gươm vào hố thẳm

Khí lạnh ngút tầng không.

(Chiến sĩ- Giọt trăng)

Bài thơ gợi đến vó ngựa bách chiến bách thắng trong thời kỳ dựng nước, có nỗi lòng chí nam nhi của Phạm Ngũ Lão, có âm thanh làm lạnh cả bầu trời của Không Lộ thiền sư. Hai câu thơ “Quăng gươm vào hố thẳm, Khí lạnh ngút tầng không” vẫn đang vẫy gọi những ai muốn khám phá.

Khi làm thơ, mà cụ thể là cách dùng lời, đặt câu, Quách Tấn đã tâm sự: “Tôi tránh hẳn cách dùng chữ bí hiểm, cách đặt câu cầu kỳ, và cố gắng đi đến chỗ bình dị tự nhiên nơi hình thức, hàm súc thâm viễn trong nội dung[14].

Bàn về ngôn ngữ và thể thơ của Quách Tấn là nói đến sự bình dị, tính hàm súc, tính vô ngôn, đây là những biểu hiện của Bình đạm trong thơ Quách Tấn. Viên Mai đã nói: “Thơ nên đạm chứ không nên nồng, nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng”. Riêng về ngôn từ và thể thơ thì Quách Tấn có cả “nên đạm” nhưng cũng có cả “cái đạm sau khi đã nồng”. Ngôn ngữ và thể thơ của Quách Tấn có cả nghệ thuật “không bạch” của phương Đông và hiệu ứng “dồn nén” của phương Tây. Cả hai đều là ““hình thức nghệ thuật lấy ít nói nhiều, lấy đơn giản nói phức tạp, từ đơn giản dễ hiểu mà thấy được độ thâm sâu, cả hai điều này đều khiến cho độc giả nghiền ngẫm dư vị “ý ở ngoài lời” của thơ””[15].

III. Kết Luận

Trong lịch sử văn học, Bình đạm là lý tưởng sáng tạo thơ ca. Có nguồn gốc chủ yếu từ tư tưởng Thiền-Lão, Bình đạm đã tạo nên giá trị uyên áo, trường tồn trong văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam. Sự kết nối, tương giao của Bình đạm từ cổ đến kim trong văn học nói chung và văn học Việt Nam nói riêng luôn là vấn đề, là gợi ý thú vị. Điều đặc biệt và rất hiếm hoi trong thời hiện đại, Quách Tấn lại chính là chiếc cầu kết nối sự tương giao đó. Thơ Quách Tấn nói chung và hai tập “Mộng Ngân Sơn” và “Giọt trăng” nói riêng mang phong cách Bình đạm và được biểu hiện trên các bình diện: Lý tưởng sùng thượng tự nhiên, yêu chuộng tĩnh lặng; đề cao sự bình dị, mộc mạc với những bức tranh màu nhạt; ngôn ngữ, thể thơ hàm súc; thái độ sống tự tại, an nhàn.

Bình đạm trong thơ Quách Tấn chủ yếu vẫn là sự tiếp nối phong cách Bình đạm trong thơ cổ điển Việt Nam. Tuy ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ mang nét hiện đại và dù có xuất hiện cái tôi, có nỗi buồn của phong trào thơ mới, nhưng Quách Tấn vẫn là nhà thơ cổ điển, là nhà thơ Đường cuối cùng của Việt Nam trong thời hiện đại. Thơ của ông bao gồm cái uyên thâm của thơ  Đường, cái giản dị hồn nhiên của ca dao Việt Nam và những rung cảm thiết tha của thơ mới. Quách Tấn là sự hòa hợp trọn vẹn giữa  thơ cũ và thơ mới, giữa truyền thống và hiện đại.

Trên trời văn Bình Định, “Bàn thành tứ hữu” bao gồm Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên, bốn vị được ví như tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Trong đó, Quách Tấn không phải ngẫu nhiên được ví là Quy, tức rùa. Phải chăng chính nhân cách của Quách Tấn; sự trung thành “cố hữu” của Quách Tấn với thơ Đường luật; đặc biệt là một hồn thơ trưởng giả nơi thôn dã, một hồn thơ trong sáng mà uyên thâm, một phong cách thơ thấm đẫm vị đạo mà cũng rất đời, cổ điển mà rất đỗi bình dị đã làm nên cụ Rùa Quách Tấn.

Mỗi linh vật đều mang tính biểu tượng. Nói đến linh Quy là nói đến Bình đạm, sự trường tồn và thoát tục. Thơ của Quách Tấn và Quách Tấn có cả Bình đạm, cả sự trường tồn và thoạt tục, như chính ông đã quan niệm về văn chương: “Từ ngày tôi nhận thấy văn chương là một pháp môn, là một Đạo, thì tôi làm thơ viết văn để giải thoát tâm hồn[16].

Thế giới văn minh với nhiều biến động, lắm thị phi và phiền toái. Đến với thơ Quách Tấn không chỉ để đến với thơ “rất Việt Nam”, thơ “gợi nhớ Đỗ Phủ”, thơ “có chiều sâu (của thơ) và chiều cao (của Thiền)[17]; mà đó còn là sự giải thoát chăng?./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Duy Cần (2013), Lão Tử Đạo Đức kinh, NXB Trẻ, TPHCM.
  2. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chú, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. Trần Thanh Đạm, Phạm Thị Hảo (2007), Lưu Hiệp Văn tâm điêu long, NXB Văn học, Hà Nội.
  4. Lê Giang (2006), Tư tưởng lý luận văn học văn học cổ Trung Quốc – Lịch sử và tư liệu, đề tài NCKH cấp trường, trường ĐHKHXH&NVTPHCM.
  5. Trần Phong Giao (1991), Thử định vị Quách Tấn trong thi giới cận hiện đại, Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 11.
  6. Khoa Ngữ văn và Báo chí (2006), Một số vấn đề về lý luận, phê bình văn học cổ Trung QuốcBáo cáo Hội nghị khoa học, trường ĐHKHXH&NV TPHCM.
  7. Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý – Trần: Diện mạo và đặc điểm, NXB ĐHQGTPHCM.
  8. Francois Jullien, Bàn về cái nhạt, NXB Lao động, năm 2013
  9. Khâu Chấn Thanh (1995), Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  10. Hoài Thanh, Hoài Chân (2005), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội
  11. Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội
  12. Nguyễn Minh Tấn (chủ biên) (1981), Từ trong di sản… , NXB Tác phẩm mới, Hà Nội.
  13. Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Vũ Thanh, Trần Nho Thìn (2007) Mười thế kỷ bàn về văn chương, NXB Giáo dục, Hà Nội.

14. Chung Vinh (2008), Thi Phẩm tập bình, Nguyễn Đình Phức, Lê Quang Trường tuyển dịch, NXB Văn nghệ, TPHCM.

[1] Khoa Ngữ văn và Báo chí (2006), Một số vấn đề về lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc, Báo cáo Hội nghị khoa học, trường ĐHKHXH&NV TPHCM, trang 144.

[2] Lê Giang (2006), Tư tưởng lý luận văn học văn học cổ Trung Quốc – Lịch sử và tư liệu, đề tài NCKH cấp trường, trường ĐHKHXH&NVTPHCM.

 

[3] Hoài Thanh, Hoài Chân (2005), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học

[4] Thi Vũ, Nhìn ngắm Giọt trăng, trích từ Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 490.

[5] Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 737.

 

[6] Lê Ngọc Trà (2018), Văn học và hiện thực, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4, trang 11

[7] Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý – Trần: Diện mạo và đặc điểm, NXB ĐHQGTPHCM, trang 235.

[8] Thi Vũ, Nhìn ngắm Giọt trăng, trích từ Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 491.

[9] Francois Jullien (2013), Bàn về cái nhạt, NXB Lao động.

[10] Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 730

[11] Trần Phong Giao (1991), Thử định vị Quách Tấn trong thi giới cận hiện đại, Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 11

[12] Quách Tấn, Bóng ngày qua, trích từ Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 731

[13] Thi Vũ, Nhìn ngắm Giọt trăng, trích từ Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 489.

[14] Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 741.

[15] Trần Văn Trọng  (2018), Quan hệ giữa hiệu ứng “dồn nén” và nghệ thuật “không bạch” trong thơ ca cổ điển Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3, trang 78

[16] Quách Tấn – Tuyển tập thơ (2006), NXB Hội Nhà văn, trang 737.

[17] Trần Phong Giao(1991), Thử định vị Quách Tấn trong thi giới cận hiện đại, Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 11