Bổ sung bài giảng điện tử tiếng Anh vào kho học liệu dùng chung
Lượt xem:
Ngành Giáo dục Kon Tum khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên tham gia Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh ”.
Phong phú nguồn tư liệu dạy học
Những ngày qua, cô Giã Thị Tuyết Nhung, giáo viên tiếng Anh (Trường THPT Trường Chinh, TP Kon Tum, Kon Tum) đang lên ý tưởng, thiết kế bài giảng để tham gia Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh”.
Giáo viên Kon Tum ứng dụng AI vào bài giảng điện tử tiếng Anh
Cô Tuyết Nhung chia sẻ, thông qua Sở GD&ĐT Kon Tum, Ban giám hiệu giáo viên tiếng Anh của nhà trường đã biết về thông tin và thể lệ cuộc thi. Các thành viên trong tổ tiếng Anh đã chia sẻ và động viên nhau tham gia để giao lưu, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm trong việc thiết kế bài giảng ứng dụng vào dạy học.
“Để chuẩn bị cho cuộc thi, tôi chủ động trang bị kiến thức chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin đã học và trau dồi từ những đợt tập huấn. Qua đó, thiết kế bài giảng theo phương pháp mới sinh động, sáng tạo và cuốn hút hơn”, cô Tuyết Nhung nói.
Theo cô Tuyết Nhung, những năm trước giáo viên tiếng Anh của trường chỉ mới tìm hiểu về cuộc thi. Tuy nhiên, thầy, cô trong tổ tiếng Anh vẫn thường xuyên thiết kế bài giảng điện tử, tạo nguồn học liệu để giáo viên trong trường chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đặc biệt đối với Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt thay đổi, sáng tạo nhằm thúc đẩy khả năng làm việc nhóm, cá nhân… của học sinh để các em hào hứng, tự tin trau dồi kiến thức. Chính vì vậy, giáo viên ứng dụng kỹ năng số, công nghệ thông tin và kiến thức liên môn thiết kế ra những bài giảng sinh động, hấp dẫn. Thông qua những bài học trên lớp hay bài giảng điện tử giáo viên kết hợp kiến thức môn GDCD hay Ngữ văn để truyền tải đến học sinh những bài học thực tế.
Với Chương trình GDPT 2018 ngoài từ vựng, ngữ pháp đòi hỏi học sinh liên hệ và giải quyết vấn đề thực tế khá nhiều. Từ đó, học sinh không bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định mà có những hoạt động trải nghiệm và dự án nhỏ giúp các em phát huy tối đa khả năng tự học, sáng tạo. Trong quá trình dạy học, giáo viên cũng phải thay đổi rất nhiều, làm mới các bài giảng để phù hợp với chương trình, học sinh. Qua đó, khai thác tối đa khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.
Để học sinh ghi nhớ kiến thức, trong từng lớp giáo viên phân hóa học sinh theo năng lực. Với những em học yếu, ngoài việc truyền tải kiến thức có những phương pháp kiểm tra thường xuyên theo từng mức độ. Cụ thể, các em sẽ làm quen với kiến thức, bài tập về nhận biết. Khi các em thành thạo sẽ nâng lên bài tập thông hiểu, vận dụng thấp, những em khá giỏi sẽ thử sức với bài tập vận dụng cao để học sinh có cơ hội tái hiện kiến thức.
“Trong quá trình tham gia cuộc thi bản thân mỗi giáo viên đã cải thiện kiến thức, trình độ rất nhiều. Đồng thời cuộc thi cũng giúp thầy, cô giáo chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ đồng nghiệp để tạo ra một cộng đồng tích cực để có nguồn tư liệu dạy học phong phú”, cô Tuyết Nhung tâm sự.
Trau dồi kinh nghiệm ứng dụng vào dạy học
Ở huyện Ia H’Drai (Kon Tum), cô Lê Nguyễn Ái Vân (36 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành) biết đến Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh” do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức thông qua Phòng GD&ĐT và tổ tiếng Anh.
Theo cô Ái Vân, ở huyện biên giới việc tiếp thu kiến thức môn tiếng Anh của học sinh còn hạn chế. Có những kiến thức cô dạy hôm trước đến ngày sau nhắc lại lũ trẻ đã quên. Để các em tiếp thu, ghi nhớ kiến thức cô Vân thường xuyên tổ chức các trò chơi để trẻ “học thông qua chơi”.
Ứng dụng bài giảng điện tử, tình nguyện viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ vùng sâu.
“Cuộc thi sẽ giúp giáo viên ứng dụng bài giảng điện tử, tình nguyện viên sử dụng dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ vùng sâu, vùng xa. Đồng thời trau dồi kinh nghiệm, học hỏi nhiều kiến thức bổ ích. Qua đó, làm giàu và phong phú hơn các bài giảng để truyền tải đến học sinh”, cô Ái Vân chia sẻ.
Ông Đoàn Thành Nhân, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh” sẽ phát huy hiệu quả phần mềm Master E-Learning cán bộ quản lý và giáo viên được trang bị từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng học liệu điện tử, giáo án điện tử phục vụ công tác dạy và học. Qua đó đẩy mạnh ứng dụng kĩ năng số và công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
“Những bài giảng điện tử đạt giải, có chất lượng tốt sẽ được Sở GD&ĐT kiểm duyệt, bổ sung vào kho học liệu dùng chung của ngành’, ông Nhân nói.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời Đại