Chủ động các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới
Lượt xem:
Chủ động các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cùng với cả nước, tỉnh Kon Tum đã chủ động chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác đổi mới giáo dục. Phóng viên Báo Kon Tum có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hóa – Phó Giám Sở GD&ĐT xung quanh vấn đề này.
– Thưa ông! Ông có thể cung cấp một số thông tin sơ bộ về Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai trong thời gian tới?
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu hướng phát triển chương trình của các nước tiên tiến, nhằm thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2019-2020. Trong đó, đối với cấp tiểu học từ năm 2019-2020, cấp THCS từ năm học 2020-2021 và cấp THPT năm học 2021-2022.
Lộ trình cụ thể đối với từng cấp học/lớp học như sau: Năm học 2019-2020 triển khai ở lớp 1; 2020-2021 triển khai ở lớp 2 và lớp 6; năm học 2021-2022 triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm 2022-2023 triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm 2023- 2024 triển khai ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Chương trình GDPT mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học. Tháng 7/2017, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông của Bộ GD&ĐT đã thông qua chương trình GDPT tổng thể. Theo đó, Ban phát triển chương trình các môn học xây dựng dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục các cấp học.
Tháng 1/2018, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới để các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, người dân đóng góp ý kiến. Dự kiến, tháng 4/2018, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chính thức chương trình các môn học. Sau đó, các tổ chức, cá nhân dựa vào chương trình để viết sách giáo khoa mới.
– Vậy, ngành GĐ&ĐT tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện đáp ứng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới như thế nào, thưa ông?
Ngành GD&ĐT Kon Tum đã, đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các kết luận của Bộ GD&ĐT. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã trực tiếp phổ biến, quán triệt, phân công nhiệm vụ cụ thể hóa nội dung thông báo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đến lãnh đạo các phòng GD&ĐT cấp huyện, các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc để có sự chủ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo.
Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông, các đơn vị liên quan phải chủ động rà soát, tổng hợp cụ thể số liệu đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu đội ngũ cần đáp ứng theo lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục. Đồng thời có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học qua kiểm tra, thống kê để báo cáo Bộ GD&ĐT; chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trong, ngoài địa bàn tỉnh, để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, đảm bảo đáp ứng công tác giáo dục mới được giao.
Ngành GD&ĐT thường xuyên theo dõi, hướng dẫn phòng GD&ĐT cấp huyện, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp. Từ đây, đơn vị có biện pháp phối hợp ngành chức năng, địa phương giải quyết đối với đội ngũ chưa đạt chuẩn.
Chẳng hạn như, giải pháp trước mắt, có thể mang lại hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đó là đơn vị đã, đang phối hợp với Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum triển khai đổi mới phương pháp dạy học cho sinh viên theo chương trình GDPT mới.
Riêng năm 2018, Sở GD&ĐT đã làm việc với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, tiếp tục xây dựng phương án đào tạo giáo viên đáp ứng cho các môn học còn thiếu giáo viên đứng lớp như: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Đây là điều kiện cần, hy vọng sẽ tăng thêm đội ngũ giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục thời gian tới.
Về lâu dài, hai bên phối hợp chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và xin chủ trương của Bộ GD&ĐT hoàn tất các điều kiện tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn và thực hiện chương trình giảng dạy, sgk phổ thông mới.
Về chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục phổ thông, chúng tôi cũng đã có các đoàn công tác, tổ chức làm việc cụ thể với phòng GD&ĐT địa phương, trường học kiểm tra, rà soát tổng hợp thừa, thiếu.
Trên cơ sở này, đơn vị mới có văn bản báo cáo tỉnh, tham mưu phối hợp các cấp thẩm quyền kêu gọi, huy đồng nguồn vốn đầu tư sửa chữa, xây dựng mới phục vụ đổi mới giáo dục. Trong đó, ưu tiên đầu tư vì mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học.
– Trong quá trình này, ngành GD&ĐT Kon Tum có những vướng mắc, khó khăn nào cần sự hỗ trợ, phối hợp khác hay không?
Ban Giám đốc và lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Sở GD&ĐT gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao. Cụ thể, trước đây, đội ngũ giáo viên tiểu học được đào tạo theo công đoạn, đạt chuẩn trình độ đào tạo, nhưng năng lực giảng dạy của một số giáo viên tiểu học không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Mặt khác, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang là một bài toán khó.
Thêm nữa, việc thiếu, thừa cục bộ giáo viên ở từng môn học (thiếu giáo viên mầm non, tiểu học; giáo viên dạy các môn học đặc thù như Tin học, Nghệ thuật, thể chất, tiếng Anh chưa đảm bảo).
Khó khăn về cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực – đến thời điểm này, cấp học phổ thông trên toàn tỉnh vẫn còn một số phòng học tạm, phòng học mượn. Cơ sở vật chất phục vụ cho học sinh ở bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú còn thiếu thốn, với nhiều phòng tạm, công trình vệ sinh, nước sạch, nhà ăn và thiết bị kèm theo chưa đảm bảo nên việc tổ chức ăn, ở cho học sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực phát triển GD&ĐT, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội tại những vùng khó khăn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, năm 2016, một số chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục đã kết thúc, tỉnh không có ngân sách để tiếp tục triển khai, các trường rất khó khăn trong việc duy trì một số các hoạt động. Ngân sách dành cho giáo dục ở các huyện/thành phố chỉ đáp ứng các hoạt động giáo dục cần thiết như chi trả lương, chi các hoạt động thường xuyên, mua sắm, sửa chữa nhỏ…
Những khó khăn trên, ngành cũng đã có báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sở, ngành, địa phương biết. Sở GD&ĐT hy vọng sắp tới, tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với ngành tiến hành những phần việc chi tiết, cụ thể còn vướng nhằm hạn chế thấp nhất khó khăn, tồn tại, để những nhiệm vụ cơ bản về phục vụ cho công tác đổi mới trên đạt kết quả tích cực theo tinh thần chỉ đạo chung toàn quốc.
– Xin cảm ơn ông!
Mai Trâm (thực hiện)