CHÚT TÂM TÌNH GỬI CHA MẸ HỌC SINH NHÂN DỊP NĂM HỌC MỚI

Lượt xem:

Đọc bài viết

CHÚT TÂM TÌNH GỬI CHA MẸ HỌC SINH NHÂN DỊP NĂM HỌC MỚI

20180905_080320

Giáo dục là của mọi nhà. Chăm lo cho giáo dục không chỉ của một ngành, một nghề mà là bằng sự cộng lực, chung tay của cả cộng đồng. Bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất cho bản thân, gia đình, quê hương, cuộc sống.

Thế vậy, năm học mới đã bắt đầu, dù chỉ là một thầy giáo tham gia giảng dạy, giáo dục tại một ngôi trường nho nhỏ ở mảnh đất Tây Nguyên đầy khó khăn, đã trải qua năm thứ hai mươi hai gắn bó với bục giảng, buồn vui với nghề dạy học gần như đã nếm đủ. Trước thềm năm học mới, xin có chút tâm tình gửi đến cùng cha mẹ các em học sinh đang trong độ tuổi đến trường, mong chia sẻ nỗi lo cùng mọi nhà.

Cha mẹ kính yêu! Một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành sẽ nhận cả ba sự giáo dục : gia đình, nhà trường và xã hội. Hơn bất kì ai, cha mẹ là người đầu tiên kì vọng ở  con mình nhiều nhất, luôn mong muốn nó phải là đứa trẻ giỏi nhất, chẳng thua kém bất kì một đứa trẻ nào cùng lớp, chung trường. Đó là điều rất đáng trân trọng! Thế nhưng, rất nhiều mẹ cha trong số các em, vì nóng lòng muốn con em được như ý nguyện đã tăng tốc trên các đường chạy mà báo chí đã phản ảnh nhiều : chạy hộ khẩu để đúng tuyến được vào trường; chạy nhà trường để được vào trường chuyên, lớp chọn; chạy thầy cô để được sự quan tâm giúp đỡ… Hiển nhiên, trên những cung đường chạy vòng vo và đầy mệt mỏi ấy, rất nhiều người trong chúng ta đã giấu trẻ và chưa một lần tôn trọng hỏi trẻ : Con cần gì? Con muốn học ở đâu? Học với ai? Học cái gì? Học như thế nào?…Chúng ta chủ quan áp đặt con theo suy nghĩ của người lớn. Ta ép trẻ phải học theo cái hiện hữu mà ta đang thấy, ngõ hầu cho mưu sự cuộc sống về sau mà quên rằng, cuộc sống quanh ta biến đổi từng ngày. Cái hôm nay tưởng rất thời thượng thì ngày mai đã khác, và đôi khi một vài năm sau đã biến mất; cái hôm nay có thể rất tầm thường, chứ không phải bình thường thì vài năm sau lại rất thu hút. Ai dám bảo, cái bánh mà hôm nay ta cố công nhào nặn mai sau vẫn còn nguyên giá trị? Nghĩa là, sự học không phải lấy cái hữu sự ở thì tương lai làm điểm tựa mà phải lấy cái tự nhiên, thuần phác làm gốc mới mong  bền vững để ứng phó với ngọn gió tương lai phong phú, đa chiều.

Vậy cái gốc thuần phác, tự nhiên của giáo dục là gì? Đó là nhu cầu tự giác muốn được khát khao học tập, được nhận biết, được khám phá và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống theo từng lứa tuổi, bậc học của con người. Như một lẽ thường hằng, cái đầu tiên mà trẻ muốn biết chính là bản thân nó : Nó từ đâu đến? Đến bằng cách nào? Quanh nó là ai, cái gì, ra sao…? Rồi đến những điều phức tạp hơn…Tất thảy, chúng đều rất muốn biết. Nếu có định hướng đúng, chúng hiểu biết rất nhanh, và sẽ biến điều hiểu biết rất thực tế ấy thành vốn liếng, thành gốc rễ bền chắc. Thế nhưng, thay vì đáp ứng nhu cầu tự nhiên như cơm ăn, nước uống hằng ngày của trẻ, chúng ta lại nhốt chúng vào hai bìa sách, bốn bức tường và quanh quẩn nơi nhà thầy cô để học thêm ngoài giờ học chính. Có bao giờ chở con sau lưng đến lớp học thêm, ta tự hỏi, mình chở con về đâu chưa nhỉ? Thế đấy, chúng ta đã biến trẻ thành ta, chứ không còn là nó, một thân thể cần phát triển tròn trịa và một tâm hồn cần lành vững, độc lập để khám phá và sáng tạo. Ta có ảo tưởng quá chăng? Thiết nghĩ rằng, ngoài kia, trên đường phố, nơi công viên, dưới cánh đồng, ngoài sân bóng, bên vạt đồi… còn nhiều điều thú vị mà ta chưa một lần đưa trẻ đến đó để hòa nhập, khám phá và trải nghiệm thực tế trước khi chúng biết đến tri thức từ vở sách, thầy cô. Thay vì để trẻ tự thân, ta đã giành hết phần của nó. Để rồi, tháng năm, thế giới bên ngoài, công việc hàng ngày sẽ trở nên xa lạ và bí hiểm với trẻ, đến một lúc nào đó, chúng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi vô tình bắt gặp một đàn bướm đang bay giữa đồng quê, nhìn thấy đàn trâu ngâm mình trong suối nước, thèm thuồng nhìn cánh diều lượn chao giữa bầu trời yên ả…Và thậm chí ngay đến việc xử lí một tình huống giản đơn cho cuộc sống của chính mình, các em cũng không tự làm lấy được. Lỗi đó vì đâu? Ta đã đánh lạc mất vẻ tâm hồn nhuần nhị của các em! Ta làm xơ cứng đến phiến diện về nhận thức của con trẻ!

Chúng ta mong chọn trường hàng đầu cho con, chúng ta kì vọng thầy cô dạy con mình thật giỏi, đối xử với con mình thật nhiệt tình, thật tận tụy, thật dịu dàng hết mực, mà quên mất rằng, mọi trường học, mọi thầy cô đều có chức năng rất nhân bản là giáo dục trẻ từ chỗ chưa biết, đến hiểu ra và sáng tạo. Nhà trường thì quan trọng thật, nhưng gia đình và cuộc sống quanh ta còn quan trọng hơn. Tính cách, hành động của các em lớn dần theo cách hành xử của những người thân trong gia đình và môi trường sống xung quanh. Chỉ cần một  hành động, việc làm, lời nói, cách ứng xử… hằng ngày của ta trong gia đình, với xóm làng, với người đi đường…chỉ một chút thiếu kiểm soát, không từ tâm hay có chút lòng hẹp lượng… sẽ là những mũi kim độc tiêm nhiễm vào tâm hồn trẻ rất nhanh. Bởi chúng luôn ở bên ta, hơi thở của ta hằng ngày phả vào chiếc chăn ấm nồng của chúng, trái tim ta gõ nhịp theo từng lời nói, bước đi, việc làm của chúng. Còn ở trường, thầy cô có rất nhiều trẻ, rất nhiều tính cách để quan tâm giúp đỡ; còn với gia đình, các em luôn là số một. Vì thế, nếu gia đình có nhận được một cuộc gọi tỏ ý phàn nàn của thầy cô giáo từ trường đến, khi cháu mắc phải sai lầm, thì cũng nên có một lời cảm ơn dịu dàng, và thiện chí hợp tác, tin chắc rằng cháu sẽ khác rất xa với cách hành xử nóng nảy, quá khích, và đôi khi tỏ ra quyền lực từ phía mẹ cha. Bởi khi người lớn có thái độ thiếu hợp tác với một người khác thì lập tức hành động ấy sẽ định hình ngay ở trẻ những suy nghĩ tiêu cực, và chúng sẽ bộc lộ điều đó một khi có thể.

Cha mẹ yêu mến! Đã từ lâu, xã hội yêu cầu thầy cô phải là người chuẩn mực, điều đó vẫn còn chưa đủ. Có lẽ nghĩ rằng, bên cạnh thầy cô ở trường, thì ở gia đình, mỗi bậc cha mẹ, ông bà, người thân… nên luôn là những hình mẫu chuẩn mực nhất để trẻ soi vào mà tự tin, từ đó mới kiêu hãnh bước vào cuộc sống.

Nguyễn Tấn Dũng- Trường THPT Duy Tân, Kon Tum

(Bài đã được gửi đăng trên báo giáo dục thời đại)