Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum – Cuộc đấu tranh vang động núi rừng!

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực tại Ngục Kon Tum chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng đã thể hiện bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sỹ Cộng sản trước mũi lê, hòn đạn kẻ thù.

Hình ảnh Ngục Kon Tum

Nhà lao Kon Tum…
Nhà lao Kon Tum (Lao trong), được xây dựng từ khoảng năm 1915-1917,  khi thực dân Pháp đã thiết lập được bộ máy cai trị ở tỉnh Kon Tum. Lao nằm bên bờ sông Đăk Bla, cách quốc lộ 14 khoảng 1km về phía Tây, gần với Toà làm việc của Công sứ Pháp, của Giám binh, trụ sở Quản đạo và Trại lính bảo an. Tháng 3-1931, Pháp tiếp tục xây dựng thêm nhà lao thứ hai (Lao ngoài), nhằm mục đích giam giữ tù nhân làm việc khổ sai trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét về trong 6 mùa mưa, nên có tính chất tạm bợ hơn.
Nhà lao Kon Tum ban đầu chỉ giam giữ những người bị thực dân Pháp quy vào tội chống đối hoặc vi phạm cái mà chúng xem là “pháp luật” của chúng. Từ cuối năm 1929 đến năm 1930, có 02 tù chính trị bị đưa lên giam giữ tại đây là đồng chí Đồng Sỹ Bình và đồng chí Ngô Đức Đệ (người lập ra chi bộ Binh-chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Kon Tum). Sau thất bại của phong trào 1930-1931, thực dân Pháp đã đàn áp, bắt bớ hàng loạt chiến sỹ Cộng sản và quần chúng giác ngộ theo phong trào đem lên giam giữ ở Kon Tum. Mục đích của chúng là giải quyết tình trạng quá tải trong nhà lao ở các tỉnh đồng bằng miền Trung; mặt khác, chúng muốn bóc lột sức lao động của tù nhân để làm con đường 14 phục vụ cho chính sách xâm lược, cai trị của chúng. Thâm độc hơn nữa, thực dân Pháp còn muốn lợi dụng nơi rừng thiêng nước độc, vùng xa xôi hẻo lánh để cách ly tư tưởng cộng sản, đồng thời giết dần, giết mòn những người tù chính trị mà không sợ mang tai tiếng, dư luận. Tại nhà lao Kon Tum từ năm 1930-1933, thực dân Pháp đã giam cầm, đày ải trên 500 lượt tù chính trị, nó đã biến nhà lao Kon Tum từ nhà lao cấp tỉnh trở thành một bộ phận nhà đày xứ Trung kỳ thời bấy giờ.
…và những tội ác của thực dân, tay sai
Lớp tù chính trị đầu tiên gồm 150 người bị thực dân Pháp đày từ nhà lao Kon Tum đi làm đường Đăk Pao, Đăk Pét. Chặng đường đi bộ trên trăm cây số, đó là thử thách không hề nhỏ đối với những người tù chính trị vốn đã bị bọn thực dân, tay sai hành hạ, vắt sức. Không chỉ dừng lại ở đó, trên lộ trình đi khổ sai, người tù còn phải mang vác hành lý nặng; roi da, gậy hèo và báng súng là những công cụ được lính sử dụng thường xuyên để đánh đập trên suốt chặng đường. Nhiều người tù già yếu hoặc đau bệnh …theo không kịp đoàn, chúng đánh đập tàn nhẫn, thậm chí có người phải bỏ mạng trên đường đi.
Trong 6 tháng mùa khô trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét, tù nhân phải lao động nặng nhọc trên 10 giờ đồng hồ mỗi ngày, dưới mọi thời tiết, đầu không có nón đội, mình không có mãnh che mưa. Ngày đã không có thời gian nghỉ ngơi, tối đến, giấc ngủ cũng chẳng đầy bởi sự hành hạ của binh lính và tiếng rên la thảm thiết của những người tù đau ốm. Chế độ ăn uống vô cùng kham khổ. Cơm lẫn nhiều trấu sạn; mắm muối đầy dòi bọ; nước uống cũng chỉ là thứ nước múc từ khe, suối bẩn đục, đầy lá rừng và phân thú hôi tanh. Không chỉ mỗi điều kiện làm việc, ăn ở, những người tù chính trị nơi đây hàng ngày còn phải chịu sự hành hạ vô cùng dã man của bọn thực dân, tay sai vô nhân tính. Chúng đánh đập, hành hạ tù nhân bất cứ lúc nào, với hàng ngàn lý do. Roi da, gậy hèo và báng súng đã trở thành nổi ám ảnh của những người tù chính trị. Chúng đánh đập tù nhân ngay từ sáng sớm, vào lúc điểm danh, trong lúc đang lao động, lúc ăn cơm, tiểu tiện và cả lúc đi ngủ… Tàn ác hơn, chúng thường xuyên lấy tù nhân ra làm trò đùa, mua vui với những hành vi hết sức man rợ: Chúng bắt tù nhân già đem ra vắt râu, bắt ăn phân trâu, phân bò, treo ngược tù nhân lên cây, trói vào tổ kiến… Điều kiện sống khắc nghiệt, thiếu thốn đã đẩy những người tù đến dưới hạn tận cùng của sức chịu đựng. Nhiều người lâm vào ốm đau, bệnh tật song không có thuốc uống, không có cán bộ y tế khám chữa. Số lượng tù nhân chết vì đau ốm ngày càng nhiều, có đợt phải chứng kiến 19 tù nhân bỏ mạng cùng một lúc.
Sự đối xử của thực dân Pháp và tay sai đối với tù chính trị trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét là hết sức tàn ác. Tội ác của chúng không sao kể hết. Chỉ trong vòng 6 tháng ngắn ngũi làm đoạn đường 15 km tại Đăk Pao, Đăk Pét, đã có 150 trong số 295 tù chính trị bị chết một cách thê thảm, số còn lại chỉ còn là da bọc xương. Trong Hồi ký của các đồng chí Ngô Đức Đệ và Lê Văn Hiến đã ví đoạn đường này như “Địa ngục của trần gian”. Trong tình cảnh áp bức, đau thương và đầy uất hận, một số tù nhân cùng cực đã nghĩ đến lấy cái chết để kết thúc sự đau khổ, tủi nhục; một số người đã chủ trương bạo động để giải phóng, thoát thân song kế hoạch chưa kịp thực hiện thì đã bị bại lộ và bị giết chết.
… đến cuộc đấu tranh vang động núi rừng
Giữa năm 1931, Kon Tum bước vào mùa mưa, thực dân Pháp đưa tù chính trị trở về nhà lao Kon Tum để giam giữ và tiếp tục bóc lột lao động khổ sai trong vùng thị xã.
Đầu tháng 7-1931, sau khi Chi bộ binh ở nhà lao bị khủng bố, địch đưa đồng chí Ngô Đức Đệ – người tù chính trị bị giam đầu tiên tại Nhà lao Kon Tum ra giam ở Lao ngoài. Tại đây, số tù chính trị cũ và mới gặp nhau, đồng chí Ngô Đức Đệ đã thông báo về tình hình tù nhân làm đường, sự đàn áp, đày đọa tù nhân của kẻ địch, tình hình của Chi bộ binh, Chi bộ đường phố… Anh em tù chính trị đã hình thành một Ban Lãnh đạo chung và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban Lãnh đạo nhất trí hạ quyết tâm: “Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo”. Mục tiêu đấu tranh là đòi thực dân Pháp bãi bỏ chế độ giết người dã man đối với tù chính trị, ưu đãi tù chính trị… Từ tháng 9-1931, Ban đã thành lập Đội cảm tử và Đội quyết tử tiên phong, bất khuất trong quá trình đấu tranh với bọn cai trị thực dân, tay sai. Từ đó, nhiều cuộc đấu tranh của tù chính trị dưới nhiều hình thực đã liên tiếp nổ ra, trong đó có cuộc đấu tranh lưu huyết phản đối việc bắt tù chính trị lên Đăk Pét lần 2.
Sáng ngày 12-12-1931, bọn thực dân, tay sai đã chia tù nhân theo từng tốp đi làm, chúng giữ lại 40 người ở Lao ngoài (đều là thành viên trong đội cảm tử, quyết tử) để tiếp tục đưa lên công trường Đăk Pao, Đăk Pét. Do có sự chuẩn bị từ trước, tất cả 40 anh em tù chính trị đã chạy thẳng vào phòng giam hô to khẩu hiệu:”Phản đối đi Đăk Pét”, “Phản đối chính sách tàn ác của Chính phủ đối với chính trị phạm”.
Trước sự kháng cự quyết liệt và có chủ ý của tù nhân, Công sứ và Giám binh Pháp đã điều binh lính kéo đến bao vây xung quanh nhà lao. Trong lao, 40 anh em vẫn tiếp tục hô to khẩu hiệu: “Phản đối đi Đăk Pét”. Tất cả đều đồng lòng siết chặt hàng ngũ đứng trước cửa lao, không để cho binh lính xông vào lôi một ai ra. Sự quyết tâm, gan dạ của anh em tù chính trị đã khiến bọn thực dân, tay sai mất bình tĩnh và tiếp tục gieo thêm tội ác. Đồng chí Trương Quang Trọng (mang số tù 303) là người chiến sĩ Cộng sản đầu tiên gục ngã trước họng súng tàn ác của chúng. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trọng đã thúc giục tinh thần của anh em tiếp tục đấu tranh phản đối kịch liệt. Được lệnh của tên Công sứ, bọn lính đồng loạt xả súng vào các anh em trong tù, 8 đồng chí bị bắn chết tại chỗ và 8 đồng chí khác bị thương. Sau khi bắn giết xong, bọn lính ùa vào bắt 24 người còn sót lại tiếp tục chở lên công trường Đăk Pét.
Sáng ngày 13-12-1931, số anh em tù nhân còn lại đã tổ chức Lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong niềm đau thương và nổi phẫn uất vô hạn. Chiều ngày 13-12-1931, Bản tuyên ngôn Chính trị và Yêu sách của tù nhân được soạn thảo và dịch ra tiếng Pháp, tiếng các dân tộc bản địa. Bản tuyên ngôn vạch trần chế độ đối xử tàn bạo của thực dân Pháp với tù chính trị và đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo đó. Ngọn lửa đấu tranh của anh em tù chính trị ngày càng thổi bùng, quyết liệt. Từ ngày 12 đến ngày 16-12-1931, anh em tù nhân tiếp tục tổ chức đấu tranh để phản đối bằng hình thức tuyệt thực. Sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp tiếp tục nổ súng đàn áp cuộc đấu tranh tuyệt thực, làm 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí khác bị thương.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực tại Ngục Kon Tum chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí. Các tù nhân còn lại vẫn bị chúng đưa lên tiếp tục làm đường Đăk Pao, Đăk Pét.  Tuy nhiên , cuộc đấu tranh đã thể hiện bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sỹ Cộng sản trước mũi lê, hòn đạn kẻ thù. Vì lý tưởng Cộng sản, khát vọng độc lập cho Tổ quốc, cho quê hương, họ tự nguyện “chết cho sự sống, chết một người để cứu sống muôn người”. Cuộc đấu tranh không cân sức giữa  những người tù chính trị bị xiềng xích, gông cùm với bọn thực dân, tay sai có trong tay dư thừa súng đạn đã được Nhân dân Kon Tum tận mắt chứng kiến. Đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên vô cùng khâm phục ý chí kiên cường của những người tù Cộng sản. Qua đó, Nhân dân càng hiểu rõ hơn về những người Cộng sản; về bản chất, lý tưởng Cộng sản; càng hiểu hơn về Đảng. Qua đó, Nhân dân Kon Tum nguyện đi theo Đảng để giành độc lập, tự do. Cũng từ sự kiện này, nhiều binh lính trong hàng ngũ địch đã ngã theo về phía cách mạng.
Cuộc đấu tranh đã gây chấn động đối với bọn thực dân Pháp ngay tại Kon Tum và trên toàn cõi Đông Dương, khiến thực dân Pháp phải có nhiều sự thay đổi, nhượng bộ như: chế độ lao dịch của tù, bãi bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men… Đến cuối tháng 12-1931, chúng đã bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14 ở Đăk Pao, Đăk Pét. Và sau đó, năm 1934, thực dân Pháp buộc phải bỏ hẳn nhà đày Kon Tum. Đó chính là minh chứng cho sự thất bại của kẻ thù trước sự đấu tranh anh dũng, bền bỉ của các chiến sỹ  tù Cộng sản và Nhân dân các dân tộc Kon Tum.
90 năm đã trôi qua, quá khứ đã khép lại, lịch sử đã sang trang, song những tội ác của chế độ thực dân, đế quốc vẫn còn in đậm trong trái tim  những con người Việt Nam yêu nước. Hình ảnh các chiến sỹ ngã xuống để giữ gìn khí tiết người Cộng sản mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của người dân Kon Tum.

Nguồn tin: www.tuyengiaokontum.org.vn