DẠY CON SỐNG ĐỜI PHONG PHÚ

Lượt xem:

Đọc bài viết

DẠY CON SỐNG ĐỜI PHONG PHÚ

Trong khi nhà trường bằng nhiều lý do khác nhau chưa thể phát triển, đáp ứng nhu cầu cá nhân từng học sinh, chưa thể dạy học cá thể hóa thì giáo dục gia đình, trong điều kiện của mình cần chung tay để mỗi đứa trẻ chứa đựng một nền giáo dục tốt nhất.

Ở những bài viết trước, tác giả đã đề cập đến các bài học về tình yêu thương và lòng biết ơn là cái gốc cần được lấp đầy trong môi trường gia đình. Tình yêu thương và lòng biết ơn được chắp cánh qua các bài học trải nghiệm cùng với gia đình để lòng nhân ái được nhân lên. Trong khuôn khổ bài viết này, với kinh nghiệm ít ỏi về giáo dục con cái của một phụ huynh, xin chia sẻ thêm vài giá trị tốt đẹp, với mong muốn gia đình luôn là cái nôi bùng cháy sức mạnh bên trong cho từng đứa trẻ…

  1. Dạy trẻ sống với một tâm hồn đầy cảm xúc tốt đẹp

Xúc cảm chứa đựng tất cả những gì thuộc về thẩm mỹ, như tình yêu, cái đẹp. Người lớn phải thắp sáng bên trong trẻ một tâm hồn thi vị, khơi dạy sự tử tế, lòng trắc ẩn, mang đến cho cuộc sống của trẻ sự ấm áp và chiều sâu. Chính tâm hồn đầy cảm xúc tốt đẹp sẽ xua tan sự lạnh lẽo, cái nhìn tiêu cực diễn ra hàng ngày trên các không gian sống của trẻ, giúp trẻ trở nên nhân bản hơn.

Cách tiếp cận: tôn trọng các cảm xúc của trẻ, định hướng đến các xúc cảm tích cực; đồng thời tạo cảm xúc cho trẻ, sau đó biến tình cảm thành hành động thực tế. Nếu cảm xúc của trẻ chỉ đơn thuần là cảm xúc và không được chuyển thành hành động thì nó sẽ không hiện hữu, sẽ không tác động đến thế giới xung quanh.

Nguyên tắc ở đây là thấu hiểu. Người lớn hãy thấu hiểu trẻ con, phải lắng nghe và tôn trọng các em; giúp trẻ bộc lộ tâm tư, tình cảm, bộc lộ niềm vui nỗi buồn, để tâm tư, tình cảm trẻ tuôn trào một cách tự nhiên, không áp đặt.

Nếu thực sự muốn hiểu đứa trẻ, hãy quan sát, tìm hiểu khuynh hướng, tâm trạng, nét cá tính của các em. Đồng thời bỏ qua những đòi hỏi phi lý của người lớn khi từ trong tâm thức lẫn những yêu cầu bên ngoài luôn muốn con trở thành một ai đó, một điều gì đó. Khi ta tôn trọng mỗi đứa trẻ như một thực thể đầy năng lượng tự nhiên, ta sẽ chấp nhận con không cần phải trở thành bất cứ điều gì. Tất cả những gì cha mẹ cần là con cần nhận biết mình là ai, con cần như thế nào, giúp cho con hiểu về chính mình. Khi năng lượng được bồi đắp, được thể hiện ra bên ngoài, các em sẽ sáng tạo, thông minh, tinh nhạy và có thể mang đến nhiều điều tốt đẹp hơn mong đợi. Chỉ trong sự tự do cá nhân, tình yêu thương và sự tử tế mới có thể đơm hoa kết trái.

2.Thúc đẩy sự sáng tạo tiềm ẩn bên trong mỗi đứa trẻ

Trong thời đại này, người lớn lẫn trẻ con luôn bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống một cách gấp rút. Để tránh đi những rập khuôn, những căng thẳng, những hối hả từ môi trường xã hội, với sự giúp đỡ của mình, cha mẹ cần giúp mỗi đứa trẻ khám phá bản thân, được là chính mình một cách rõ nét, ấn tượng.

Cách tiếp cận: Ngoài việc tạo ra môi trường phù hợp sao cho đứa trẻ đến độ tuổi nhất định đều có thể giải quyết một cách thông minh các vấn đề mà các em gặp phải. Đối với giáo dục gia đình, trong hành trình học hỏi những điều hay lẽ phải, cho phép trẻ thử những đam mê, tạo ra những giá trị mới. Giúp trẻ được bộc lộ suy nghĩ cá nhân, khuyến khích cách suy nghĩ, cách làm độc lập. Không áp đặt trẻ những mong muốn mà ta nghĩ các em nên trở thành; không nên ép buộc con trẻ theo những khuôn mẫu sáo mòn. Cho trẻ thử nghiệm, dẫu có sai. Mỗi bước trẻ thử nghiệm là trẻ không ngừng tìm kiếm. Nếu lúc nào cũng làm theo cách của cha của mẹ, thì chẳng thể sáng tạo và khả năng thiên bẩm sẽ dần mất đi.

Nguyên tắc: Ở tuổi học sinh luôn có sự thay đổi về tâm sinh lý theo từng độ tuổi. Khi chúng ta tương tác với con ở môi trường gia đình, người lớn cần sự tôn trọng, cần mềm mại trong giáo dục, luôn sẵn lòng tìm hiểu trẻ từng ngày, theo từng độ tuổi khi trẻ lớn lên. Ngay cả trong cùng một gia đình, mỗi trẻ đều chứa đựng một cá tính, cũng cần có sự linh hoạt khác nhau. Sự tôn trọng, mềm mại, không rập khuôn, máy móc trong thái độ và hành động là một cách để thúc đẩy sự sáng tạo ở mỗi đứa trẻ.

Ngoài việc giúp con phát triển một số các môn học ở nhà trường; gia đình cần quan tâm đến tố chất thật sự của con trẻ để đồng hành và phát triển. Bằng cách nào đó, quan tâm hơn nữa sự phát triển bán cầu não phải- bán cầu có khả năng cảm nhận vẻ đẹp, là bán cầu của tình yêu, thơ ca, hội họa, bán cầu của sự sáng tạo.

Để hiểu các em và để thúc đẩy sự sáng tạo, chúng ta cần sự tương giao, tìm hiểu kỹ càng, phải hết sức kiên nhẫn và có tình yêu thương sâu sắc

  1. Giúp trẻ khám phá và hòa mình vào thiên nhiên
  2. Krishnamurti- một triết gia người Ấn Độ cho rằng “ loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục vừa khuyến khích việc trau dồi phương thức, vừa thực hiện một điều gì đó quan trọng hơn nhiều: giúp con người trải nghiệm toàn bộ diễn trình của đời sống”. Diễn trình của đời sống này, giáo dục nhà trường là quan trọng nhưng giáo dục gia đình cũng quan trọng không kém. Ngay từ nhỏ, gia đình cần bên cạnh, dạy con biết khám phá thế giới xung quanh. Không chỉ học tập trong nhà trường, học tập ở thế giới phẳng mà cần đặc biệt quan tâm môi trường học tập ở gia đình, trong cộng đồng và ngoài xã hội.

Cách tiếp cận: Nhúng con em chúng ta vào môi trường thiên nhiên để các em được thỏa sức trải nghiệm, suy nghĩ, tìm tòi, khám phá. Giúp trẻ thể hiện tình yêu môi trường, tình yêu động vật; thu dọn rác thải đường phố; thử ra ngoài và tận hưởng không khí của thiên nhiên xung quanh; dạy trẻ nhận thức rõ ràng được tầm quan trọng của tự nhiên đối với sự sống của mình thông qua nguồn nước, đất đai và thực phẩm. Cảm xúc được hòa mình vào thiên nhiên rất quan trọng cho mỗi đứa trẻ, để trẻ hiểu sâu sắc rằng tất cả những sự thịnh vượng và hạnh phúc trên hành tinh sẽ biến mất nếu như hệ thống tự nhiên không còn tồn tại.

Nguyên tắc ở đây là người lớn phải nêu gương. Mỗi bậc phụ huynh đều phải nêu gương, hành động và dạy trẻ hành động để làm sao sống hài hòa với thiên nhiên.

Còn nhớ, cô bé 12 tuổi Severn Suzuki đến từ Canada đã mang đến một bài phát biểu (Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) từ ngày 3-14/6/1992 tại Brazil ) lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của 178 quốc gia) khiến cả thế giới phải im lặng “Ở trường học, ngay từ lớp mẫu giáo, người lớn vẫn dạy chúng tôi cách ứng xử đúng mực. Không được đánh nhau. Phải cố gắng tìm ra các giải pháp. Tôn trọng mọi người. Sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra. Không làm hại các sinh vật khác. Phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam… Vậy tại sao các vị lại làm những việc chính các vị dạy chúng tôi không nên làm? Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi, nhưng tôi xin thách thức các vị hãy hành động đúng như những gì đã nói…”

Từ đó đến nay đã 27 năm nhưng những lời kêu gọi của cô bé mà năm nay đã 39 tuổi vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi mỗi người, mỗi nhà luôn thấu hiểu con trẻ, nêu gương, hành động đúng và dưỡng nuôi cho trẻ một tâm hồn đầy cảm xúc tốt đẹp đối với xung quanh.

Tóm lại, Gia đình là cái nôi giáo dục đầu tiên, thông qua các suy nghĩ và ứng xử và hành động của mình giúp đứa trẻ trở thành, được phát triển trong tình yêu thương và sự tử tế. Tình yêu thương mà ta dành cho đứa trẻ đã hàm chứa đường hướng giáo dục đúng đắn. Cùng với nhà trường, đường hướng giáo dục gia đình sẽ lan tỏa, bay xa…

Vân Huỳnh