Điểm sáng trong công tác giáo dục Quốc phòng, an ninh ở tỉnh Kon Tum và những vấn đề đặt ra
Lượt xem:
Điểm sáng trong công tác giáo dục Quốc phòng, an ninh ở tỉnh Kon Tum và những vấn đề đặt ra
Năm 2013, Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh (QP,AN) ra đời, công tác giáo dục QP, AN đã được nâng tầm, xác định là một trong những nội dung của nền giáo dục quốc dân, là môn học chính khóa trong chương trình đào tạo từ bậc trung học phổ thông đến đại học. Không chỉ cung cấp những thông tin cơ bản, đúng đắn về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, các nhà trường phổ thông trên địa bàn đã và đang kiến tạo thêm những giá trị mới cho học sinh, sinh viên.
Từ nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác Giáo dục QP, AN và trên cơ sở quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị định của Đảng, của Nhà nước về công tác giáo dục QP, AN. Hàng năm, Sở GD&ĐT tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên. Theo đó, công tác này đã triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ đến các nhà trường và ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng từng bước được nâng cao, trong năm học 2018 – 2019 đã có trên 15.821 học sinh, sinh viên được giáo dục QP, AN, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, là sự quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục QP, AN, với nhu cầu biên chế 63 giáo viên, thì hiện nay đã biên chế 52 giáo viên đảm nhiệm môn Giáo dục QP, AN, trong đó có 42 giáo viên chuyên trách, 10 giáo viên bán chuyên trách; 11 giáo viên được đào tạo dài hạn, 21 giáo viên được đào tạo ngắn hạn. Các trường đã chủ động đảm nhiệm được nội dung của môn học giáo dục QP, AN; cơ bản bảo đảm các thiết bị dạy và học môn học Giáo dục QP, AN theo danh mục quy định, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm nâng cao chất lượng của môn học giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên.
Với những điều kiện thuận lợi như trên, công tác Giáo dục QP, AN trên địa bàn tỉnh đã cải thiện rất rõ nét về nề nếp và chất lượng dạy học bộ môn này cũng như các hoạt động có liên quan đến Giáo dục QP, AN nói chung. Biểu hiện rõ nét nhất chính từ những giờ học trên giảng đường, thầy và trò cùng nhau say sưa trao đổi về các vấn đề thời sự, chính trị của đất nước, của thế giới. Mỗi trò một quan điểm, một cách nhìn trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội hiện nay khiến không ít người trẻ có nhận thức chưa đúng, hoặc chưa đủ về những vấn đề chính trị, xã hội, dẫn đến những nguy cơ hành động lệch chuẩn và chính tại đây sự lệch chuẩn ấy sẽ được các thầy phân tích, uốn nắn và định hướng lại.
Tạo nên sự thay đổi trong nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên cũng chính là mục tiêu cao nhất của môn học này. Nhằm hướng tới cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống của dân tộc; trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về quốc phòng và an ninh, những kỹ năng quân sự cần thiết, để học sinh, sinh viên nhận thức đầy đủ hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ những giờ học trên giảng đường, những năm gần đây Sở GD&ĐT phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức các lớp “Học kỳ Quân đội”, “Học kỳ Công an” vào những dịp nghỉ hè cho học sinh lứa tuổi từ 12 – 17 mỗi năm có hơn 300 em học sinh tham gia. Được sống trong môi trường Quân đội và Công an, trải nghiệm cuộc sống trong quân ngũ, các em hiểu ra rằng kỷ luật là sức mạnh, kiến tạo cho cac em một thái độ sống mới tích cực và khoa học hơn, không những vậy các em còn được tiếp cận những kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội. Có những việc tưởng chừng như đơn giản như xếp hàng đi ăn cơm, nhưng khi thực hiện nó đã tạo cho các em tính kỷ luật trong một tập thể lớn sự đổi thay ấy bắt đầu trong cách sinh hoạt hằng ngày, hằng giờ.
Lý tưởng của tuổi trẻ không thể được hình thành trong ngày một, ngày hai, ở đây nó được đắp bồi nhiều ngày, qua những hoạt động thú vị như thế này, sẽ tiếp lửa cho những người trẻ, bồi dưỡng cho thanh niên trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp các em thêm nhiệt huyết với cuộc đời.
Những người trẻ là tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để có thể gánh vác trên vai sứ mệnh trọng đại ấy thì khi còn ngồi trên ghế nhà trường một trong những hành trang các em được trang bị đó là những bài học tinh thần như lòng yêu nước, niềm tin, lý tưởng, trách nhiệm cao đẹp của tuổi trẻ với Tổ quốc. Chính tại các trường học đang làm tốt công tác Giáo dục Quốc phòng An ninh để tinh thần yêu nước ấy những bài học như thế đang được đắp bồi.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Một số học sinh, sinh viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của môn học; đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục QP, AN còn thiếu về số lượng, một số chưa được đào tạo cơ bản; bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặc thù của môn học; trình độ của học sinh không đồng đều, nhất là các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả của công tác giáo dục QP, AN.
Trước thực tế trên, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác Giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác Giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên. Theo đó, các trường tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác Giáo dục QP,AN, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị, các Thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, làm cho cán bộ, học sinh, sinh viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục QP, AN nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của môn học; đồng thời, phát huy vai trò tham mưu của khoa, tổ bộ môn Giáo dục QP, AN và thế mạnh của các tổ chức quần chúng để thực hiện tốt nhiệm vụ này; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Giáo dục QP,AN, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đặc biệt phải bảo đảm tốt các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên giáo dục QP, AN, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập môn học Giáo dục QP, AN; các trường cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương trong việc thực hiện nội dung, chương trình môn học Giáo dục QP, AN cho học sinh, sinh viên.
Ba là, các cơ sở giáo dục tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy môn học theo hướng tăng thời gian thực tiễn đối với học sinh, sinh viên, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên đề giáo dục; sử dụng đa dạng các hình thức, biện pháp để tạo sự sinh động, hấp dẫn, bớt đi sự “khô cứng” của môn học, khắc phục triệt để tình trạng “dạy chay, học chay”. Coi trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: giao lưu, kể chuyện truyền thống… Đồng thời, coi trọng phòng, chống có hiệu quả các sản phẩm và lối sống văn hóa độc hại nhằm làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, tha hóa đạo đức, lối sống và mất dần bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phương pháp tuyên truyền, chú trọng kết hợp với các hình thức nghệ thuật, hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống ở các vùng đồng bào dân tộc phù hợp với tập quán tốt đẹp, nếp sống văn minh, sinh hoạt cộng đồng. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phải khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc giữ nước hôm nay.
Nguyễn Trung Kiên – Bộ CHQS Kon Tum