Giáo dục mầm non ngoài công lập Kon Tum: Những tín hiệu tích cực
Để tạo điều kiện cho các cơ sở GDMN NCL hoạt động ổn định và nề nếp, ngành GD-ĐT Kon Tum đã có nhiều giải pháp kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập, khó khăn cho cơ sở GDMN NCL.
Quy mô, mạng lưới phát triển nhanh
Tính đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có 22 trường mầm non dân lập, tư thục và 107 nhóm, lớp tư thục độc lập hoạt động trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong 22 trường mầm non NCL, có 2 trường mầm non dân lập và 20 trường mầm non tư thục. Số lượng trường mầm non dân lập, tư thục chiếm tỷ lệ 15,9% trên tổng số trường mầm non, mẫu giáo toàn tỉnh (22/138 trường).
Trong số, 107 điểm nhóm, lớp tư thục, nhóm trẻ gia đình thì mới có 55 điểm nhóm được cấp phép (tỉ lệ 51,1%). Tổng số lượng trẻ theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non NCL có khoảng 5.634 trẻ, chiếm tỷ lệ 14,11% số trẻ mầm non huy động ra lớp của tỉnh Kon Tum.
Theo thầy Nguyễn Phúc Phận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, trong những năm trở lại đây, loại hình GDMN NCL trên địa bàn tỉnh Kon Tum hình thành và phát triển khá nhanh. Sự phát triển của loại hình GDMN NCL đã khẳng định được thế mạnh của loại hình giáo dục tư thục, góp phần vào công tác huy động trẻ mầm non ra lớp ngày càng tăng. Các cơ sở GDMN NCL cũng đã có nhiều biện pháp tích cực, chủ động để nâng cao chất lượng, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng GDMN tỉnh Kon Tum.
Đánh giá về chất lượng giáo dục của các cơ sở GDMN NCL, thầy Nguyễn Phúc Phận nhìn nhận: Cũng như các trường mần non công lập, thời gian qua, các trường dân lập, tư thục đã chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình GDMN của Bộ GD&ĐT; xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục theo chủ đề, phù hợp theo độ tuổi của trẻ, tính vùng miền, điều kiện của nhóm, lớp.
Công tác tổ chức bán trú cũng được các trường mở rộng, đảm bảo chất lượng bữa ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở mầm non đã có biện pháp khắc phục đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, thực hiện đúng qui trình chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường, điểm nhóm; tích cực phối hợp với các trung tâm y tế địa phương khám sức khỏe, cân đo theo dõi biểu đồ phát triển cho trẻ theo định kỳ và lưu trữ hồ sơ, theo dõi, có biện pháp kịp thời kết hợp với các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ. Đồng thời, chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh, giữ gìn môi trường sinh hoạt, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần và chế độ sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh sự phát triển, hiện nay các cơ sở GDMN NCL còn tồn tại nhiều bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh tai nạn cho trẻ còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục và sự an toàn của trẻ, nhất là tại các nhóm trẻ độc lập tư thục chưa được cấp phép.
Ở một số nhóm trẻ độc lập tư thục chất lượng bữa ăn của trẻ còn thấp, việc tổ chức khẩu phần ăn cho trẻ chưa cân đối với tiền phụ huynh đóng góp. Một số nhóm trẻ độc lập tư thục dạy chữ cho trẻ 5 tuổi theo chương trình lớp Một. Chính vì vậy, bên cạnh hoạt động giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở GDMN NCL, ngành GD-ĐT Kon Tum đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm giúp các cơ sở GDMN NCL không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra
Nói về các giải pháp quản lý các cơ sở GDMN NCL, thầy Nguyễn Phúc Phận cho biết: Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập chưa được cấp phép, Sở GD&ĐT Kon Tum đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố căn cứ trên nhu cầu gửi trẻ của nhân dân trên địa bàn và điều kiện theo quy định của các cơ sở, tiến hành phân loại các nhóm trẻ.
Đối với các nhóm độc lập đáp ứng nhu cầu gửi trẻ thiết yếu của nhân dân trên địa bàn, đồng thời có cơ sở vật chất cơ bản được đảm bảo, chủ nhóm đã được đào tạo, bồi dưỡng thì Phòng GD&ĐT tiếp tục tư vấn hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, đôn đốc các chủ nhóm hoàn thành các điều kiện để cấp phép.
Còn đối với các nhóm trẻ có nguy cơ mất an toàn cho trẻ, Phòng GD&ĐT phối hợp tham mưu với các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, đồng thời hướng dẫn phụ huynh học sinh chuyển trẻ đến gửi tại các cơ sở GDMN đủ điều kiện trên địa bàn.
Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng đã được Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện/thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở GDMN NCL. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những CBQL, giáo viên, nhân viên có biểu hiện, hành vi không chuẩn mực đối với trẻ em trong các cơ sở GDMN.
Thường xuyên công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng phường, xã/thị trấn về các trường, nhóm lớp tư thục chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động để cộng đồng, cha mẹ trẻ biết, tham khảo và lựa chọn cơ sở GDMN đảm bảo chất lượng gửi trẻ. Chỉ đạo các trường mầm non công lập tăng cường công tác tư vấn, giúp đỡ các nhóm lớp đủ điều kiện thành lập; UBND xã/phường tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, quản lý các cơ sở GDMN NCL trên địa bàn.
“Tăng cường sự phối hợp, giám sát của phụ huynh trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Khuyến khích các cơ sở GDMN lắp đặt hệ thống camera tại các trường, nhóm lớp để hỗ trợ công tác quản lý.
Thiết lập đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử cấp huyện hoặc Phòng GD&ĐT để kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh của nhân dân, cha mẹ trẻ về thái độ, hành vi không đúng chuẩn mực sư phạm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đối với trẻ em và phụ huynh tại các cơ sở GDMN trên địa bàn.
Chỉ đạo các cơ sở GDMN NCL thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn cho trẻ; tăng cường thực hiện việc xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Tập trung quán triệt nghiêm túc về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng cá nhân gắn với nhiệm vụ được phân công phụ trách đến 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, chủ nhóm/lớp độc lập tư thục.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN NCL”, thầy Phận cho biết thêm.