GS, NGND NGỤY NHƯ KON TUM – NGƯỜI “SONG SINH” CÙNG NĂM VỚI TỈNH KON TUM

Lượt xem:

Đọc bài viết

GS, NGND NGỤY NHƯ KON TUM – NGƯỜI “SONG SINH” CÙNG NĂM VỚI TỈNH KON TUM

Năm 2013, tỉnh Kon Tum tưng bừng đại lễ kỷ niệm tròn 100 năm ngày thành lập tỉnh. Ít người nhớ có một con người rất nổi tiếng, cũng tên Kon Tum, cũng tròn trăm tuổi – Ấy là Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Ngụy Như Kon Tum!

Xin tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu, trong đó có cuốn “Giáo sư Ngụy Như Kon Tum – Kỷ niệm 100 năm sinh 3/5/1913 – 3/5/2013” (nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013). Tiếc là sách có một số nhầm lẫn ở những chi tiết liên quan đến địa dư, lịch sử, cư dân Kon Tum, nên trích dẫn vào đây chúng tôi xin được chỉnh lý lại. (Ví dụ cư dân tại chỗ ở khu vực thành phố Kon Tum là dân tộc Ba-na, Rơ-ngao, nhưng sách viết là Ê-đê, Gia-rai…). Và cũng xin nói thêm: Ngày nay chúng ta quen viết tên ông là Ngụy Như Kon Tum, thực ra vào thời điểm khai sinh, tên ấy được viết là Ngụy Như Kontum (Chữ Kontum viết liền).

Ngụy Như Kon Tum sinh ngày 03-5-1913 tại thị trấn (danh xưng lúc ấy, nay là thành phố) Kon Tum. Nguyên quán xã Minh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Có lẽ ông chủ sự (hay lục sự) Nhà Dây thép (Bưu điện) Kon Tum Ngụy Như Bích – cha của Ngụy Như Kon Tum – lúc bấy giờ đang phấn khích với việc Kon Tum vừa được công nhận là đơn vị hành chính cấp tỉnh (ngày 09-02-1913), nên mới chỉ vừa 3 tháng sau – ngày 05-3-1913 – vợ sinh con trai đầu lòng, ông đã lấy luôn tên tỉnh mình đang công tác để đặt tên con? Và như vậy, có thể nói vui rằng: đây là người… “song sinh” cùng năm với tên đất! (Khi chuyển công tác sang Ban Mê Thuột (nay gọi Buôn Ma Thuột), ông Ngụy Như Bích có thêm cô con gái và cũng được ông đặt luôn tên là Nguỵ Như Ban Mê Thuột. Rồi khi chuyển đến Kon Tum lần nữa, sinh thêm con trai, thì tên là Ngụy Như Kon Tum Em)!

Thời gian ở Kon Tum, gia đình ông Ngụy Như Bích ở đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Người con rể của GS-NGND Ngụy Như Kon Tum (chồng tiến sĩ Ngụy Tuyết Nhung) là Phan Văn Quýnh (tiến sĩ khoa học, giảng viên cao cấp trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội) có cho biết điều này: “Gia đình cụ Ngụy Như Bích sống ở Rue de la Marne, ngày nay phố được đổi tên là Trần Hưng Đạo”. Vì lúc thiếu thời được ở gần và chơi thân với bạn bè người Ba-na tại chỗ, nên: “Ngụy Như Kon Tum thời đó nói thạo tiếng Pháp, tiếng Ba-na, sau đó mới đến tiếng Việt. Do đó mới có chuyện buồn cười sau này: Khi gia đình hồi hương về Huế, trong lúc vui đùa với bạn bè, ông vẫn nói lẫn những tiếng Ba-na, nên bị gọi là “mọi”. Có thầy giáo không gọi ông là Ngụy Như Kon Tum mà gọi là “Ngụy Như Mọi” làm tâm hồn ông bị tổn thương…”. (Xin nói thêm: từ “mọi” do thực dân Pháp áp đặt và cho dùng phổ biến vào thời điểm ấy). Ông Phan Văn Quýnh còn cho biết dấu ấn của Kon Tum rất sâu đậm trong tâm cảm của GS-NGND Ngụy Như Kon Tum: “Tây Nguyên hùng vĩ và khổ đau đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm hồn thời thơ ấu của GS Ngụy Như Kon Tum”. 11 năm đầu đời ở Kon Tum, cậu bé Ngụy Như Kon Tum đã được “khai tâm” ở Trường tiểu học Kon Tum – ngôi trường công lập đầu tiên và duy nhất tại đây lúc bấy giờ. Phan Văn Quýnh viết: “Thời thơ ấu, ông học lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba (theo thứ tự bây giờ: lớp Một, lớp Hai, lớp Ba) ở thị trấn Kon Tum. Năm 11 tuổi (1924) ông về Huế học lớp Nhì của trường Cao đẳng tiểu học Huế, rồi sau đó là trường Quốc học”. Đến năm 1930 Ngụy Như Kon Tum đậu “đíp-lôm” loại giỏi, được học bổng ra học Ban Tú tài bản xứ Trường Bưởi – Hà Nội. Năm 1932 Ngụy Như Kon Tum lấy luôn một lúc 3 bằng Tú tài: Tú Tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán và Tú tài Tây ban Triết, được cấp học bổng toàn phần sang Paris học trường đại học Sorbone danh giá.

Qua 3 năm ở đại học Sorbonne, Ngụy Như Kon Tum lấy bằng Cử nhân Khoa học, 3 năm sau đỗ bằng Thạc sĩ Vật lý loại xuất sắc, trở thành vị Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam. Đầu năm 1939 ông được nhà bác học người Pháp nổi tiếng là giáo sư Jolliot Curie (con trai vợ chồng bác học Pierre Curie và Marie Curie từng đoạt giải Nobel; và cá nhân Jolliot Curie về sau cũng đoạt giải thưởng danh giá này) hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ Vật lý. Đang nghiên cứu dở dang luận án Tiến sĩ được một năm thì đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ, phòng thí nghiệm của Jolliot bị Chính phủ Pháp trưng dụng làm cơ sở quân sự, GS Jolliot phải ngưng hoạt động phòng thí nghiệm, nên khuyên Ngụy Như Kon Tum trở về quê hương phục vụ đất nước, góp phần chống phát-xít.

Một năm sau ngày về nước, Ngụy Như Kon Tum vào dạy ở Trường Chasseloup Laubard Sài Gòn. Năm 1941 ra Hà Nội dạy ở Trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) và sáng lập hội SET để tác động tinh thần yêu nước trong thanh niên trí thức. Năm 1942 cùng Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thúc Hào… cho ra đời tập san Khoa học – tờ báo khoa học đầu tiên ở Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Ngụy Như Kon Tum làm Giám đốc Khu học xá Đông Dương. Ngày 22-8-1945 tại Khu học xá này, ông đã tổ chức buổi mít-tin cho các trí thức, sinh viên, học sinh để biểu thị tinh thần ủng hộ cách mạng và chính phủ mới, cùng tham gia ký tên vào bức điện đòi vua Bảo Đại thoái vị. Bức điện được gửi cho cụ Ngụy Như Bích đang làm chủ sự Phòng Bưu điện tại kinh thành Huế, nhờ trao tận tay vua Bảo Đại.

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Ngụy Như Kon Tum đưa gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Ở đây, năm 1946 Bác Hồ cho gọi ông đến, đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ngụy Như Kon Tum thưa với Bác rằng mình không nhận chức vụ ấy, với lý do là người chuyên nghiên cứu ở lĩnh vực tự nhiên, ít có tầm bao quát xã hội, e sẽ làm công tác quản lý xã hội không hợp, đề xuất Bác nên chọn GS Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng, chỉ xin giữ chức Tổng Giám đốc Trung học vụ kiêm Đổng lý sự vụ, thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Đến năm 1951 Ngụy Như Kon Tum được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Sư phạm cao cấp ở Khu học xá Trung ương đóng ở Nam Ninh – Trung Quốc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1954 trở về Thủ đô, GS Ngụy Như Kon Tum được giao trách nhiệm xây dựng Đề án bậc đại học, khai mở nền móng bậc học cấp cao cho đất nước. Thời gian này ông tham gia giảng dạy vật lý tại Trường Sư phạm Khoa học.

Đến năm 1956 – theo bài viết của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý – Chính phủ quyết định thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bộ Giáo dục đệ trình lên Chủ tịch nước danh sách những người đề cử giữ chức Hiệu trưởng. Xem danh sách, không thấy tên Ngụy Như Kon Tum, Bác Hồ bảo cho gọi Ngụy Như Kon Tum đến và trực tiếp bổ nhiệm làm Hiệu trưởng (GS Lê Văn Thiêm làm Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy). Thế là GS Ngụy Như Kon Tum trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp đầu tiên này. Suốt 26 năm trên cương vị hiệu trưởng, ông đã cống hiến tâm huyết cho sự phát triển của Trường, cũng như sự nghiệp giáo dục toàn quốc. Sự tận hiến ấy được người thân, đồng nghiệp, học trò… đều viết rằng trong cuộc sống thường ngày, GS Ngụy Như Kon Tum luôn giữ phong cách giản dị, thanh bạch, liêm khiết. Vì thế, mọi người đương thời thường gọi ông bằng cái tên vừa thân thiện vừa trân trọng là “Nhà nhân sĩ yêu nước”. Và trong một bức thư gửi cho Ngụy Như Kon Tum, GS Juliot Curie cũng viết: “Tôi rất vui thấy anh bây giờ phục vụ tốt cho đất nước mình, cho sự nghiệp khoa học và đào tạo cán bộ đang rất cần cho đất nước anh. Mừng anh!”.

GS Ngụy Như Kon Tum tham gia hoạt động rất rộng trên lĩnh khoa học và xã hội. Có thể tóm lược một số điểm chính: GS là người dẫn đầu đoàn khoa học Việt Nam đầu tiên tham dự hội nghị Vật lý địa cầu ở Mátxcơva năm 1957; dự Hội nghị Hòa bình thế giới tại Xtốckhôm – Thụy Điển năm 1958… Sau khi nghỉ hưu, GS vẫn tiếp tục giảng dạy và tham gia Hội đồng Khoa học trường Đại học Tổng hợp; ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tham gia biên soạn sách Từ điển Bách khoa Việt Nam; biên soạn nhiều công trình nghiên cứu và sách giáo khoa vật lý bậc trung, đại học; cùng giáo sư Nguyễn Xiển xây dựng thành công ngành Vật lý địa cầu của Việt Nam. GS Ngụy Như Kon Tum là đại biểu Quốc hội các khóa II, III và IV, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, là Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục thế giới, Uỷ viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt – Pháp, v.v… Năm 1982, GS Ngụy Như Kon Tum được nghỉ hưu. Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-1990, GS được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cuối tháng 3 năm 1991, đang tham dự phiên họp Đại biểu Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh, ông đột ngột bị mệt nặng, được đưa về Hà Nội chữa trị, nhưng không kịp, trí tuệ lớn, nhân cách lớn, và trái tim lớn ấy đã ngưng đập vào ngày 28-3-1991.

Tên Ngụy Như Kon Tum đã được Thủ đô Hà Nội đặt cho một đường phố lớn dài 1.100m ngang qua làng sinh viên thuộc quận Thanh Xuân. Hội trường trường Đại học quốc gia Hà Nội cũng được mang tên Ngụy Như Kon Tum. Tại thành phố Kon Tum – nơi ra đời và gắn liền 11 năm đầu đời của GS-NGND Ngụy Như Kon Tum – ngày nay cũng đã có một đường phố mang tên ông; một trưởng học mang tên ông, và Quỹ khuyến học cũng mang tên ông. (Ngày ra mắt “Quỹ khuyến học Ngụy Như Kon Tum” – năm 2010 – đã có mặt vợ chồng người con gái của GS Ngụy Như Kon Tum là PGS-TS Ngụy Tuyết Nhung). Tại thị trấn huyện Long Hải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có một trường Trung học phổ thông mang tên Ngụy Như Kon Tum… Và có lẽ còn nhiều công trình, địa danh, đường phố… mang tên ông nữa, mà với sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi không rõ hết được!

Riêng với Kon Tum, tên tuổi và hình tượng GS-NGND Ngụy Như Kon Tum không những là niềm tự hào của địa phương, mà còn là biểu tượng mang tính giáo dục truyền thống hiếu học và nhân cách sống cho nhiều thế hệ.

T.V.S