Hội nghị sơ kết Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Lượt xem:
Sáng ngày 09/3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum tổ chức sơ kết Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng chí Y Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tới dự và chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Phạm Thị Trung – Tỉnh uỷ viên- Giám đốc Sở GDĐT chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Sở, lãnh đạo các đơn vị hành chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Sở, lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tỉnh Đoàn Kon Tum, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; Đại diện lãnh đạo các trường THPT, PTDTNT, phân hiệu các trường THPT, PTDTNT đóng chân trên địa bàn các huyện, thành phố; lãnh đạo trường THCS-THSP Lý Tự Trọng, Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum, trung tâm GDTX tỉnh Kon Tum, trung tâm GDNN-GDTX các huyện và (một số doanh nghiệp có đầu tư lớn trên địa bàn các huyện, thành phố)
Theo Báo cáo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị, công tác Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những bước chuyển biến rõ rệt, cụ thể:
– Công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có sự vào cuộc của các cấp, đã có chuyển biến tích cực về nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân về nghề nghiệp.
– Các cơ sở giáo dục trung học đã đổi mới các hoạt động giáo dục hướng nghiệp theo hướng giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương, tạo cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình học sinh.
– Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước định hình, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đổi mới phương thức tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
– Mô hình học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề trình độ trung cấp (Mô hình 9+) trong năm học vừa qua được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học chưa cao, hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa có sự phối hợp tốt giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn; một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chưa thu hút được người học dẫn đến việc tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, trường Cao đẳng Cộng đồng. Các tham luận đã thống nhất cao với đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo. Các tham luận cũng đã kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới. Đó là:
– Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương và chỉ đạo các Sở, ngành chức năng sớm tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025; có chính sách đặc thù, hỗ trợ, khuyến khích người học đăng ký đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh; hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, quan hệ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường công tác tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho người học sau tốt nghiệp ra trường.
– Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD&ĐT, Sở Lao động–Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, Trường CĐCĐ Kon Tum, các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị có liên quan với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong truyền thông để đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh.
– Đẩy mạnh việc hợp tác, gắn kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.
Đồng chí Y Ngọc – UV BTV – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội Nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đ/c Y Ngọc yêu cầu:
– Sở LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT khảo sát tình hình học viên sau khi tốt nghiệp nghề tham gia thị trường lao động.
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng cộng đồng đánh giá hiệu quả trong đào tạo nghề tại địa phương; chú ý thay đổi chương trình các ngành nghề, chú trọng thực hành nghề nghiệp, triển khai dạy trực tuyến, đáp ứng nhu cầu học của nhân dân vùng sâu, vùng xa. Đào tạo nghề để đảm bảo người dân có nghề nghiệp và thu nhập ổn định.
– UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Lao động–Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn định hướng phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn.
– Sở Lao động–Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố xây dựng nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh đối với việc giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tích cực vận động, định hướng cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không học tiếp lên trung học phổ thông, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không đi học đại học tham gia học nghề để lập thân, lập nghiệp.
Trà My – Văn Dũng- VP Sở