Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá công tác triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sáng ngày 8/6/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum (GDĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá công tác triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông đối với lớp 1 bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu chính của Sở GDĐT và 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố Kon Tum và Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum

Ảnh: Đắc Vinh

Quang cảnh tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo

Tham dự Hội nghị và chỉ đạo tại điểm cầu của Sở GDĐT có sự hiện diện của TS. Phạm Thị Trung, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở GDĐT; ThS. Đinh Thị Lan – Phó Giám đốc Sở; ThS. Huỳnh Thị Thu Vân – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học cùng các lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học.  Tại các điểm cầu ở các huyện, thành phố cũng có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các Phòng GDĐT, chuyên viên phụ trách Tiểu học và Hiệu trưởng các trường Tiểu học trên địa bàn.

Hình ảnh các điểm 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố và Trường Tiểu học Ngụy Như Kon Tum

Năm học 2020-2021, tỉnh Kon Tum có 148 trường tiểu học và tiểu học-trung học cơ sở (trong đó 99 trường tiểu học và 49 tiểu học- trung học cơ sở); Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục tiểu học (CSGDTH) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ về số lượng để phục vụ cho việc tổ chức dạy học. Nhiều phòng học khang trang, đồng bộ, công trình phụ trợ được đầu tư xây dựng; các CSGDTH đẩy mạnh việc sắp xếp, tận dụng và sử dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có để tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường; từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng lộ trình của Bộ GDĐT

Để thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới lớp 1, ngay sau khi kết thúc năm học 2019 – 2020, Sở GDĐT đã tích cực chỉ đạo các đơn vị nhà trường rà soát, đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; phối hợp chỉ đạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, số lượng; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình…

Qua đánh giá về công tác giảng dạy, phần lớn giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; sử dụng có hiệu quả đồ dùng, thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác tài liệu bổ trợ dạy học. Đặc biệt, giáo viên đã linh hoạt trong việc điều chỉnh nội dung, thời lượng, dung lượng kiến thức bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021 Ngành GDĐT tỉnh Kon Tum đã hoàn thành và đưa tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 1 vào sử dụng trong các CSGDTH từ năm 2020-2021. Tích hợp linh hoạt nội dung giáo dục địa phương trong Hoạt động trải nghiệm đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018, được nhà trường và nhân dân địa phương ủng hộ, học sinh yêu thích.

Kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021: Tỷ lệ học sinh hoàn thành môn Toán đạt: 95,6%; môn Tiếng Việt đạt: 95,3%; học sinh hoàn thành Chương trình lớp học đạt: 94,96%  so với năm học 2019-2020 tỷ lệ học sinh hoàn thành môn Toán tăng 0,3% và môn Tiếng Việt tăng 0,4%, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành Chương trình lớp học giảm hơn so với năm học 2019-2020 là 0,06%. Ngoài ra, có 110/155 học sinh khuyết tật học hòa nhập không đánh giá (45/155 học sinh khuyết tật học hòa nhập được đánh giá).

Tại Hội nghị, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và lãnh đạo một số địa phương tích cực tham gia ý kiến thảo luận, nêu lên những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 như: cơ sở vật chất ở một số trường chưa đồng bộ; tình trạng thiếu giáo viên ở một số địa phương…; đồng thời đề xuất ý kiến thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới.

Ý kiến tham luận của các đơn vị tại các điểm cầu

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở GDĐT yêu cầu các trường tiếp tục tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ, Sở GDĐT phù hợp với điều kiện địa phương; điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, tăng cường công tác huy động các nguồn lực xã hội để trang bị cơ sở vật chất;  thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn… đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.