Hội nghị trực tuyến về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Lượt xem:
Sáng 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến về việc tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì. Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có TS. Phạm Thị Trung-TUV- Giám đốc Sở GDĐT; các Phó Giám đốc Sở; trưởng các đơn vị hành chính thuộc Sở; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở đứng chân trên địa bàn thành phố Kon Tum; đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Kon Tum
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện từ năm học 2020- 2021 đối với học sinh lớp 1 và được triển khai đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021- 2022. Quá trình triển khai được các cấp, các ngành, nhất là ngành GD&ĐT nỗ lực, quyết tâm thực hiện, nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều vướng mắc, như: đại dịch Covid – 19 khiến cho việc đánh giá dạy và học chưa rõ ràng; ở một số tỉnh, thành sau khi thực hiện sáp nhập nhiều trường có nhiều điểm lẻ, quy mô số lớp và số học sinh/lớp vượt quá quy định; tình trạng thiếu giáo viên; quỹ đất cho phát triển trường học còn hạn chế, khó mở rộng, không đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Nhiều địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…
Để tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022- 2023, các địa phương đang tích cực khắc phục khó khăn, chuẩn bị các điều kiện, nhất là về đội ngũ giáo viên; việc biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10; việc chuẩn bị cho công tác lựa chọn SGK, ..v.v…
Bám sát chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ GD&ĐT; chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành GD&ĐT Kon Tum đã đẩy mạnh công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bổ sung thiết bị cho các trường và tổ chức mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7, lớp 10 phục vụ năm học 2022-2023; ban hành Kế hoạch tuyển sinh các cấp học mầm non, phổ thông năm học 2022-2023, trong đó chỉ đạo các trường trực thuộc lập phương án tuyển sinh của đơn vị trong đó nêu rõ nguồn lực nhà trường để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh phục vụ chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Tại Hội nghị – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở GD&ĐT tham mưu cụ thể, tính hết các phần việc phải làm cho đến năm 2024. Trong đó, việc lựa chọn SGK, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương nên thực hiện theo tinh thần đảm bảo đạt được ý nghĩa của việc chọn một bộ sách và dùng nhiều bộ sách để tham khảo. Quá trình thực hiện dạy học theo bộ SGK mới, các Sở GD&ĐT cần chủ động có ý kiến phản hồi về Bộ GD&ĐT trước khi dư luận xã hội lên tiếng. Về vấn đề đội ngũ, Bộ GDĐT sẽ làm việc với các bộ, ngành để sớm bổ sung chỉ tiêu biên chế. Trước mắt, các địa phương cần linh hoạt giải quyết bài toán thiếu giáo viên; đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học… Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, ngành giáo dục tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, chủ động các phương án cho học sinh đi học trực tiếp an toàn, nhanh nhất, sớm nhất, đảm bảo khung chương trình năm học.
Thảo luận tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng: Việc đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo được thực hiện từ năm 2018 và hiện đang bước vào giai đoạn trọng tâm. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Việc đổi mới GD&ĐT có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của các địa phương, sự quyết tâm của nhà trường, giáo viên và sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, việc lựa chọn sách giáo khoa và việc tổ chức dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trà My- Văn Dũng-Văn phòng Sở