Hướng tới kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum: Trăm năm sải cánh giữa đại ngàn
Lượt xem:
Kon Tum là tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên với dân số khoảng 535.000 nghìn người. Tỉnh Kon Tum là nơi hội tụ rất nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 6 dân tộc bản địa là Xê Đăng, Ba Na, Jẻ – Triêng, J’Rai, B’râu và Rơ Măm. Trải qua 110 năm hình thành và phát triển (thành lập 9/2/1913), Kon Tum đang vươn mình hội nhập với cả nước hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh giàu mạnh.
Ảnh minh họa: D.Nương
* Trung dũng, kiên cường trong kháng chiến
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta với âm mưu biến toàn bộ bán đảo Đông Dương thành thuộc địa (1883). Ngày 9/2/1913 thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Kon Tum.
Tại Kon Tum, thực dân Pháp đã thiết lập nhà tù đày ải những tù chính trị cộng sản với chế độ giam giữ khắc nghiệt. Nhưng chính từ đây, ảnh hưởng từ những hạt giống cộng sản đầu tiên trong nhà tù, người dân Kon Tum đã thể hiện lòng yêu quê hương và ý chí tự chủ bằng sự phản kháng trước các chính sách cai trị, khai thác tài nguyên của các thế lực thực dân. Đỉnh cao những đóng góp của quân và dân Kon Tum cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp là những trận đánh trong chiến dịch Xuân-Hè 1952, phối hợp với quân dân miền Tây Quảng Ngãi làm thất bại Chiến dịch Latérite. Đặc biệt, Đông-Xuân 1953-154 phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ ở miền Tây Bắc của đất nước, quân dân Kon Tum lại đánh bại cuộc hành quân Atlante của thực dân Pháp khi muốn “xoá sổ” Liên khu 5…Chiến thắng ở Kon Tum và Tây Nguyên đã góp phần chia lửa cho Điện Biên Phủ toàn thắng (07-5-1954) và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.
Tiếp nối truyền thống, trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Kon Tum tiếp tục lập nhiều chiến tích hào hùng như Xuân-Hè 1965 đã giải phóng hoàn toàn quận lỵ Tu Mơ Rông, một phần quận lỵ Đắc Tô, phá hoàn toàn 100 ấp chiến lược…Năm 1967, các trận tập kích của lực lượng vũ trang giải phóng đã trực tiếp tấn công vào sào huyệt địch ở thị xã Kon Tum, Đăk Tô, Tân Cảnh mà đỉnh cao là chiến dịch diễn ra vào mùa Đông năm đó giành thế chủ động hoàn toàn trên mặt trận Kon Tum, tạo thế để quân và dân ta bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Khi Mỹ tiến hành “Việt Nam hoá chiến tranh”, quân và dân Kon Tum vừa chủ động đối phó, vừa tạo thế từng bước tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng. Sau trận đánh xóa xổ căn cứ Đăk Pét (ngày 15-5-1974) và Măng Đen, Măng Bút (tháng 10-1974) vùng giải phóng Kon Tum đã nối liền với Quảng Ngãi…Ngày 16-3-1975 Kon Tum hoàn toàn giải phóng.
* Khai thác tiềm năng để phát triển
Không chỉ trung dũng, kiên cường trong kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Kon Tum không ngừng phấn đấu và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước trong thời đại đổi mới. Đặc biệt từ sau ngày tái lập tỉnh (năm 1991) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, tình hình chính trị của Kon Tum luôn ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững và củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Hướng đến tương lai, Kon Tum xác định phải xây dựng tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, cơ cấu kinh tế ngày càng hợp lý; thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người của tỉnh so với vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Với lợi thế về đất lâm nghiệp lớn, Kon Tum cùng với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển CLV (Campuchia-Lào-Việt Nam) đang dần hình thành vùng trọng điểm cao su của cả thế giới với diện tích có thể lên đến 1 triệu ha. Đây được xem là cây xoá đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trong cả khu vực. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Căn cứ vào những lợi thế sẵn có, Kon Tum chú trọng phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao. Hiện tại Kon Tum đã có 68.000 ha cao su và dự kiến đến 2020 sẽ tăng lên 100.000 ha. Đây đây là nguồn thu lớn cho ngân sách. Ngoài ra, vùng trọng điểm cao su của Kon Tum ở khu vực Morai cho năng suất cao 2,2 tấn/ha, cao nhất vùng Tây Nguyên. Tỉnh sẽ ban hành chính sách để phát triển cao su tiểu điền…Với diện tích, sản lượng lớn, Kon Tum có cơ hội thu hút đầu tư sâu vào chế biến các sản phẩm từ cao su.
Tỉnh Kon Tum cũng xác định 3 vùng kinh tế động lực. Cụ thể huyện Kon Plông với những sản phẩm như nuôi cá tầm, cá hồi, rau hoa xứ lạnh hay trồng cà phê xứ lạnh. Đây là những sản phẩm có giá trị kinh tế lớn. Huyện Ngọc Hồi với Cửa khẩu quốc tế Bờ Y-là ngã ba biên giới quan trọng để kết nối Kon Tum, Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung với các nước bạn Lào, Vương Quốc Campuchia, Thái Lan….Thành phố Kon Tum với các cụm, khu công nghiệp lớn. Không những vậy, Kon Tum cũng đã thành công trong việc duy trì và phát triển nguồn giống quý của sâm Ngọc Linh và đang hướng đến phát triển loại cây sâm quý này thành một thương hiệu quốc gia. Hiện tại cùng với chính quyền và doanh nghiệp, Kon Tum đã hình thành vùng quy hoạch trồng sâm rộng hàng trăm ha, trong đó sẽ dần đưa giống cây quý này đến với từng hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện nghèo (được hưởng chương trình 30a của Chính phủ) là Đắk Glei và Tumơrông.
Kon Tum được xem là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia với nhiều di tích lịch sử như: Ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei, những địa danh nổi tiếng như đồi Sạc Ly, Đăk Tô-Tân Cảnh, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhiều công trình lịch sử, văn hoá, kiến trúc cổ như Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, Chùa Bắc Ái…Nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp với sông, hồ, thác, núi hùng vĩ, các khu bảo tồn thiên nhiên như Vườn quốc gia Chưmomray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh…Cùng với đó, Kon Tum cũng là nơi có nền văn hoá phong phú, đa dạng được kết tinh từ đời sống văn hoá tinh thần của 22 dân tộc đã tụ cư tại nơi đây hàng trăm năm…Đây sẽ là những lợi thế lớn để giúp Kon Tum từng bước vươn mình ra “biển lớn”./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/