Huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp

Lượt xem:

Đọc bài viết

Huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp

05/09/2018 07:00

​Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp là một trong số nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập theo yêu cầu đổi mới. Nhờ các nguồn vốn huy động, trong năm học mới 2018-2019, các địa phương thêm nhiều công trình được xây dựng và tu bổ, sửa chữa.

Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Nguyễn Du ở xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai là một trong số công trình mới được hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng trước khai giảng năm học 2018-2019. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Kon Tum tài trợ, gồm 6 phòng học hai tầng, nhà hiệu bộ, công vụ và hạng mục phụ trợ đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Chuẩn bị đón năm học mới 2018-2019, đã có hơn 137 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác được ngành GD&ĐT tỉnh đầu tư xây mới 128 phòng học, 11 phòng bộ môn, các phòng chức năng, 237 nhà vệ sinh, làm mới 64 hệ thống nước sạch. Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp đã góp phần xóa 48 phòng học tạm; gồm 18 phòng mầm non, 26 phòng tiểu học và 4 phòng THCS.

Công trình mới của Trường Tiểu học, THCS Nguyễn Du, huyện Ia H’DRai

 

Đáng chú ý, từ nguồn thu xổ số kiến thiết thuộc ngân sách địa phương, năm nay, UBND tỉnh đã bố trí hơn 13 tỷ đồng để bổ sung cơ sở vật chất Trường THPT Đăk Choong (huyện Đăk Glei) và Trường THPT Đăk Tăng( huyện Kon Plông).

Ngoài kinh phí do Sở GD&ĐT quản lý, các huyện, thành phố cũng đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp phục vụ giảng dạy – học tập.

Tại huyện Đăk Hà, năm học này, gần 700 phòng học và hơn 50 phòng học bộ môn đã được chuẩn bị chu đáo, đáp ứng yêu cầu phục vụ học tập của hơn 20.600 học sinh.

Trưởng phòng GD&ĐT Đăk Hà – Lê Thị Nhung cho biết, ngoài trường Tiểu học 30/4 tại xã Đăk Ngọc được đầu tư xây mới nhờ nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trước thềm khai giảng năm học mới 2018-2019, Phòng GD&ĐT huyện đã kịp thời sửa chữa 5 phòng học và phòng chức năng của Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Ngọc Réo.

Ngành GD&ĐT thành phố Kon Tum huy động các nguồn lực đầu tư trên 50 tỷ đồng để tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Trường Mầm non Thạch Thảo là một trong số 2 trường mầm non được Văn phòng hợp tác Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ xây dựng.

Theo cô giáo Lê Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường, công trình kết cấu 2 tầng, quy mô 10 phòng học khép kín, được trang bị đầy đủ, đồng bộ bàn ghế học sinh và giáo viên, tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Trong khi chờ cơ sở mới được bàn giao, đưa vào sử dụng trong khoảng cuối tháng 11/2018, nhà trường vẫn tập trung tổ chức 6 bán trú cho các cháu tại điểm trường cũ tại địa bàn phường Thắng Lợi.

Năm nay, nhờ nguồn ngân sách nhà nước, thành phố Kon Tum đã đầu tư 26 tỷ đồng xây dựng 16 phòng học, 10 phòng bộ môn, nhà hiệu bộ, bếp ăn tại các trường THCS Trần Khánh Dư, THCS Nguyễn Huệ, THCS Hàm Nghi, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Mầm non Bằng Lăng, Mầm non Nắng Hồng; gần 3 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ đầu tư xây dựng 4 phòng học tại trường Mầm non Tuổi Hồng và Tiểu học Nguyễn Thái Bình.

Tại huyện nghèo Tu Mơ Rông, trong tổng số hơn 460 phòng học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và gần 100 phòng tổ chức ăn cho trẻ mầm non, phòng phục vụ học tập cho học sinh tiểu học; năm học mới này, vẫn còn trên 30 phòng tạm, phòng mượn, phòng nhờ… song cơ bản các đơn vị giáo dục đã chủ động sắp xếp, bố trí hợp lý, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.

Đáng chú ý, tại các xã (Tê Xăng, Đăk Rơ Ông, Tu Mơ Rông) bị ảnh hưởng nặng từ bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, việc tổ chức cho học sinh tựu trường và ổn định nề nếp đầu năm học được đặc biệt quan tâm. Phòng học cho dân mượn ở tạm trong thời gian mưa lũ tại xã Tê Xăng, sau đó đã được khẩn trương thu xếp, dọn dẹp để đón học sinh. Nhờ vậy, ngày hội khai giảng tại Trường PTDTBT Tiểu học Tê Xăng vẫn được tổ chức vào ngày 5/9. Một số trẻ theo gia đình di dời tránh lũ ở xã Đắk Rơ Ông cũng được động viên trở về để học tập. Thầy giáo Lê Văn Hoàn – Trưởng phòng GD& ĐT huyện cho hay.

Không chỉ đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, nhà hiệu bộ, nhà công vụ… hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt, nhà vệ sinh cũng được các đơn vị giáo dục quan tâm. Tại địa bàn thành phố Kon Tum, đã có 29 giếng nước và 35 công trình nhà vệ sinh tại các trường học được bổ sung làm mới và sửa chữa, tổng trị giá hơn 8,5 tỷ đồng. Ngoài 13 phòng học mới, ngành GD&ĐT huyện Kon Rẫy còn đầu tư làm mới 17 công trình vệ sinh, nước sạch; tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng…

Theo số liệu tổng hợp, cuối năm học 2016-2017, toàn tỉnh còn 212 phòng học tạm, phòng học mượn. Tuy vậy, nhờ nỗ lực tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, đến nay, tình trạng này đã được khắc phục đáng kể; góp phần tạo thuận lợi thu hút học sinh đến lớp, ổn định nề nếp và nâng cao chất lượng giảng dạy – học tập. Khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp đối với các đơn vị giáo dục ở vùng khó khăn, nhất là tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng sâu vùng xa tiếp tục được quan tâm xác định lộ trình đầu tư.

Bài, ảnh: Thanh Như (baokontum.com)