Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum nâng cao năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tổ chức dạy học

Lượt xem:

Đọc bài viết

Từ ngày 05/6 đến ngày 06/6/2024, tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Kon Tum, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lớp tập huấn với chủ đề “Nâng cao năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng kế hoạch dạy học; ứng dụng AI để tạo âm thanh, hình ảnh, video nhằm tăng tính tương tác, tạo hứng thú học tập cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú”. Đây là một hoạt động chuyên môn có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.

Lớp tập huấn vinh dự đón tiếp bà Ngô Thị Ánh Tuyết, đại diện UNICEF tại Việt Nam; đồng chí Huỳnh Thị Thu Vân – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Thị Nhung – Phó Chánh Văn phòng, phụ trách Văn phòng Sở. Tham dự lớp tập huấn còn có sự tham gia của chuyên viên Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, các báo cáo viên cùng 42 đại biểu là cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng AI trong giáo dục không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy và quản lý lớp học. Đặc biệt là đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, nơi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, AI mang đến những thay đổi đáng kể, giúp giáo viên có thêm kiến thức và kĩ năng thiết kế, xây dựng, triển khai các bài giảng và tài liệu giáo dục hiệu quả.

Trong suốt hai ngày tập huấn, các báo cáo viên đã giới thiệu các công cụ AI ứng dụng trong dạy học; đồng thời thực hành trải nghiệm và thảo luận về việc ứng dụng AI trong dạy học, cụ thể:

AI giúp giáo viên lập kế hoạch dạy học nhanh chóng và hiệu quả. Bằng cách phân tích dữ liệu học tập của học sinh, AI đưa ra các gợi ý về nội dung giảng dạy phù hợp, phân bổ thời gian hợp lý và lựa chọn phương pháp giảng dạy tối ưu.

AI có khả năng nhận diện và phân tích mức độ tiếp thu của từng học sinh, giúp giáo viên điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Việc sử dụng AI để tạo ra âm thanh, hình ảnh, video không chỉ làm phong phú thêm nội dung giảng dạy mà còn giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức một cách trực quan và sinh động. Điều này đặc biệt quan trọng đối với học sinh dân tộc thiểu số, giúp các em hiểu bài nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn.

Các phần mềm AI có thể tạo ra môi trường học tập tương tác, nơi học sinh tham gia vào các hoạt động mô phỏng, trò chơi giáo dục hoặc bài tập thực hành ngay trên máy tính. Điều này giúp học sinh cảm thấy hứng thú và tham gia học tập một cách tích cực hơn.

Sau khi hoàn thành lớp tập huấn, các cán bộ quản lý và giáo viên đã nhận thấy rõ những lợi ích mà AI mang lại:

Nâng cao chất lượng giảng dạy: Giáo viên có thể tập trung hơn vào việc giảng dạy và tương tác với học sinh, nhờ AI hỗ trợ chuẩn bị bài giảng một cách hiệu quả và chính xác.

Tăng cường sự tham gia của học sinh: Các bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và nhớ lâu hơn. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số.

Phát triển kỹ năng công nghệ cho học sinh: Việc tiếp xúc và sử dụng công nghệ AI không chỉ giúp học sinh hứng thú với việc học mà còn trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để thích nghi với thời đại số.

Lớp tập huấn lần này không chỉ là cơ hội để giáo viên học hỏi và nâng cao kỹ năng, mà còn là bước khởi đầu cho những thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy tại các trường Tiểu học- Trung học sơ sở phổ thông dân tộc bán trú. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại và mang lại những cơ hội học tập tốt nhất cho các em học sinh, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI LỚP TẬP HUẤN

VD-VPS