Thẩm định đề cương chi tiết tài liệu “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2”
Lượt xem:
GD&TĐ – Chiều 25/3, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã tổ chức phiên họp thẩm định đề cương chi tiết tài liệu “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2”
Cô Đinh Thị Lan – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, Phó Chủ tịch HĐTĐ chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, cô Huỳnh Thị Thu Vân – Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum, Chủ biên Tài liệu GDĐP cấp Tiểu học tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2020-2021 ngành giáo dục tỉnh đã hoàn thành chương trình “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 1” và đưa vào sử dụng trong các trường học trên địa bàn. Qua đó, đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, học sinh.
Đối với tài liệu “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2” có nội dung nằm trong hoạt động giáo dục bắt buộc, thuộc hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, nội dung tài liệu “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2” là cơ sở để gợi ý ngữ liệu tích hợp ở một số môn học lớp 2.
Cô Huỳnh Thị Thu Vân ghi nhận các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định.
Theo ban biên soạn, nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học, nội dung tài liệu là những vấn đề cơ bản về lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương, địa lý, dân cư, cảnh quan, môi trường. Bên cạnh đó một số nội dung về kinh tế, xã hội, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống của địa phương.
Về hình thức tích hợp, tài liệu được thiết kế theo từng chủ đề riêng biệt, được tích hợp qua 2 hình thức. Cụ thể, tích hợp bộ phận, tích hợp toàn phần trong hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra tài liệu là cơ sở để gợi ý ngữ liệu tích hợp ở một số môn học lớp 2.
Buổi làm việc của Hội đồng thẩm định.
Tài liệu có tính mở nên việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương được thực hiện linh hoạt, không máy móc, hình thức. Khuyến khích cách tiếp cận đa dạng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trong tổ chức dạy học của giáo viên, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Cô Vân cho hay, tài liệu “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2” sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo thông qua tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống. Từ đó, tạo cơ hội cho học sinh thực hành những nội dung vừa khám phá.
Ngoài ra, học sinh có thể vận dụng các kiến thức đã học để bày tỏ quan điểm của mình qua các hình thức: tham quan thực tế, vẽ, nặn, viết cảm tưởng…
Kết thúc phiên họp, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề cương chi tiết tài liệu “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2” của ban biên soạn và không yêu cầu chỉnh sửa.