Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022
Lượt xem:
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Văn phòng Chính phủ; các Tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, và được kết nối tới các điểm cầu cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh.
Trong năm 2022, công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tập trung, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước thay đổi thói quen, tư duy của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng cao như (xác nhận chứng minh nhân dân, thông báo lưu trú, thủ tục làm con dấu…).
Về việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kết nối dữ liệu, góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng; cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử được tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% các cơ sở y tế…
Hệ thống của Bộ Công an đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân; cấp trên 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân, tạo nền tảng để triển khai tiện tích về dịch vụ công và phát triển KT-XH.
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021); An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực.
Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra. Có trung bình 40 triệu người dùng/tháng sử dụng 03 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, tăng 43% so với năm 2021. Có 2,7 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng hơn 7,3 lần so với năm 2021.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá rõ ràng, khách quan về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc. Đồng thời, xác định rõ các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2023 tình hình dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, hời cơ thuận lợi đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn, vì vậy các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần thúc đẩy chuyển đổi số và Đề án 06, góp phần giảm bớt những khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, phục vụ thiết thực đời sống Nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công, truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, nhằm tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Đồng chí đề nghị người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh lộ trình thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trong năm 2023 và các năm tiếp theo…