Trang phục truyền thống: niềm tự hào của các dân tộc

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chúng ta đang sống trong một cộng đồng đa dạng về văn hóa, với sự hiện diện của nhiều dân tộc thiểu số đặc trưng. Văn hóa của mỗi dân tộc đều mang trong mình những giá trị và phẩm chất đặc biệt và là di sản quý báu của dân tộc và đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiến trình hòa nhập và phát triển, giá trị văn hóa này đôi khi có nguy cơ bị lãng quên hoặc biến mất.

Nhằm tuyên truyền những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) trong việc bảo tồn và giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum; khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum.

Trên cơ sở Kế hoạch số 48/KH-SVHTTDL ngày 19/3/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum về việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống, nghề dệt thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các trường thuộc quyền quản lý thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến công sở, cơ quan vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ, trong các nghi thức quan trọng của ngành, của địa phương; ngày lễ, Tết hàng năm; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hàng năm, mặc vào Thứ Hai hàng tuần.

 Đối với các trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán bán trú (PTDTBT) đề nghị vận động 100% giáo viên và học sinh là người DTTS mặc trang phục truyền thống dân tộc đến trường vào ngày Thứ Hai hàng tuần, sử dụng trang phục các DTTS để thay thế cho áo dài trong các ngày lễ, hội, ngày mít tinh kỷ niệm, khai giảng, bế giảng.

Đối với các trường phổ thông có học sinh dân tộc thiểu số đang theo học, nhà trường cần tuyên truyền, khuyến khích các em học sinh có trang phục truyền thống và mặc trang phục DTTS để thay thế cho áo dài trong các ngày lễ, hội, ngày mít tinh kỷ niệm, khai giảng, bế giảng và tiến tới mặc trang phục truyền thống đến trường vào Thứ Hai đầu tuần.

Những biện pháp trên sẽ giúp chúng ta tạo ra một môi trường giáo dục đa dạng và thú vị, đồng thời giúp các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum cảm thấy tự hào và được tôn trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa của mình, đặc biệt là trang phục truyền thống./.

Ảnh: Trang phục truyền thống của học sinh trường PT DTNT huyện ĐăkGlei khi đến trường

 Ảnh: Các em học sinh trường Tiểu học KaPaKơLơng, huyện Kon Rẫy mặc trang phục truyền thống vào tiết chào cờ đầu tuần

Ảnh: Học sinh Trường PT DTNT huyện Kon Rẫy mặc trang phục truyền thống và sinh hoạt bên lửa trại không chỉ là cách để các em hiểu biết và trân trọng văn hóa của dân tộc mình mà còn là cơ hội tốt để thúc đẩy tinh thần đoàn kết và gắn kết trong cộng đồng trường.

                                                                                                                                               Đặng My-Trình Dũng(VP)