Khởi sắc nền giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn
Lượt xem:
Trường Tiểu học Đăk Rơ Nga- Huyện Đăk Tô- Tỉnh Kon Tum là một trường thuộc xã miền núi đặc biệt khó khăn. Nhân dân trên địa bàn 100% là người dân tộc thiểu số và theo đạo thiên chúa giáo. Cuộc sống của nhân dân trong xã còn rất nhiều khó khăn, hầu hết nhân dân làm nghề nông. Trình độ dân trí còn thấp, họ chưa quan tâm đến việc học hành của con em mình, còn trông chờ và ỉ lại vào nhà trường và giáo viên.
Giáo dục ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là việc duy trì sĩ số. Muốn công tác giáo dục đạt hiệu quả thì trước hết phải chú ý đến tỷ lệ chuyên cần của học sinh vì học sinh có ra lớp đều thì việc tiếp thu bài mới tốt, mới hệ thống được kiến thức liền mạch. Vì vậy đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu ở trường chúng tôi.
Nếu chúng ta được đến với nhà trường mới thấu hiểu được nỗi vất vả của các thầy cô giáo nơi đây. Tôi không đề cập đến đời sống thiếu thốn khó khăn của thầy cô mà chỉ xin nói về khó khăn của thầy cô trong việc ổn định sĩ số học sinh.
Ở mỗi thôn bản trong xã đều trường học nhưng cũng đủ để bố trí cho những em học lớp nhỏ hơn như lớp 1,2,3 học thôi, còn lại phải tập trung về trường trung tâm để học, phải đi cả một quãng đường dài để đến trường lại là một vấn đề không nhỏ. Có những thôn bản cách trường trên 6km, dù đường đi lại không khó khăn lắm nhưng ngày mưa việc đi lại thì vất vả, vì các em chỉ có thể đi bộ đến trường chứ không thể đi xe đạp hay phương tiện nào khác và không phải gia đình nào cũng có xe máy để đưa con đi học. Nhiều em có tâm lí ngại đường xa không đến lớp.
Một thực tế ở vùng này là kinh tế của người dân rất khó khăn lại thêm đông con và hạn chế về nhận thức nên nhiều phụ huynh không cho con đến trường. Hơn nữa để cho con đến trường mặc dù không phải nộp học phí hay mua sách giáo khoa thì việc có thể lo tiền mua thức ăn như gạo cho con cũng là vấn đề rất khó khăn với các gia đình. Nhiều gia đình có 5 đến 6 con cùng đi học nên còn gặp nhiều khó khăn.
Có lẽ cấp Tiểu học bởi ở lứa tuổi 9 đến 10 tuổi các em đã có thể làm được một số việc giúp đỡ gia đình nên các em thường nghỉ học để đi làm, đặc biệt vào vụ mùa hay những mùa có măng, mùa đót… vì khi đó các em có thể lấy về để bán có thêm thu nhập. Các em lúc này dường như đã trở thành một lao động chính trong việc cải thiện thêm thu nhập cho gia đình, bởi vậy nhiều em đi học chưa thường xuyên.
Trong những năm học trước, phòng học các lớp còn tạm bợ, tranh tre, nứa lá, mùa đông thì không đủ kín che ấm, mùa hè thì nóng ôi bức. Đó là những khó khăn chính ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số học sinh, ngoài ra còn nhiều khó khăn khác nữa. Bởi vậy muốn học sinh ra lớp đều nhà trường cùng tập thể giáo viên đã đồng tâm hiệp lực giải quyết, hạn chế những khó khăn trên.
Tôi đã công tác 5 năm ở trường đã được chứng kiến cũng như trực tiếp tham gia rất nhiều cuộc vận động học sinh ra lớp. Mỗi trường, mỗi nơi sẽ có những biện pháp duy trì sĩ số cũng như vận động học sinh ra lớp khác nhau tùy theo điều kiện của mình.
Nếu chỉ có nhà trường thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự tham gia hỗ trợ của các ban ngành khác, đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc giáo dục cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc học để người dân tham gia vào công tác giáo dục một cách nhiệt tình hơn. BGH cần tham mưu với UBND xã đặc biệt là Hội khuyến học của xã trong việc thực hiện các biện pháp vận động học sinh ra lớp. Trong những lần đi vận động học sinh nên có sự kết hợp có mặt của giáo viên với thành viên ở xã hoặc cùng trưởng, phó thôn bản để địa phương có thể nắm được những trường hợp, lí do phụ huynh không cho con đến lớp sẽ có những biện pháp cứng rắn, phù hợp…
Học sinh ra lớp rồi nhưng vấn đề giải quyết chỗ ăn ở cho các em cũng là một vấn đề nan giải. Không phải trường nào cũng có khu nội trú cho học sinh do đó hình ảnh các thầy cô giáo đi vào rừng lấy tre nứa về làm nhà cho học sinh không phải là xa lạ với người dân nữa. Nhà trường vận động phụ huynh và giáo viên cùng làm. Các phụ huynh cũng tham gia vào việc làm nhà, làm giường, làm bếp cho con em mình. Vì vậy nâng cao hơn ý thức trách nhiệm của người dân với nhà trường, với việc học của các em. Ngoài ra phụ huynh còn yên tâm hơn
khi cho con em đến trường, không còn phải lo chỗ ở cho các em nữa.
Song một vấn đề khó khăn nữa được đặt ra đó là vấn đề thiếu “lương thực”. Từ khi học sinh nhận được sự hỗ trợ từ chương trình 112 của Chính phủ cho hộ nghèo, nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh, phân công giáo viên trong trường thay phiên nhau cùng nấu cơm với học sinh. Một không khí vui vẻ, gần gũi trong những bữa ăn tập thể đã thắt chặt hơn tình cảm của các em học sinh, đặc biệt là tình thầy trò thêm gắn bó.
Ngoài ra nhà trường cũng nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như giao lưu văn nghệ, thể thao… giữa các khối lớp. Nhà trường đã tổ chức trò chơi dân gian như: đi cà kheo, đẩy gậy… Chính những hoạt động ấy làm cho các em yêu trường, yêu lớp hơn.
Một điều quan trọng nhất phải kể đến là sự nhiệt tình của các thầy cô giáo. Những bài giảng của thầy cô đã tạo cho các em tâm lí muốn học và thích đến lớp hơn. Vì vậy với giáo viên ở trường chúng tôi không chỉ có chuyên môn tốt mà còn là nhà tâm lý tốt, rất kiên trì, hiểu tâm lí học sinh và tận tụy với đối tượng học sinh ở lớp mình dạy. Mỗi thầy, cô là một nhà kỹ sư ngoài việc áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với các em đã làm xóa đi tâm lí “sợ học” mà các em học ngày một tích cực hơn, năng động hơn đặc biệt lớp học trở nên sôi động, các em tin tưởng, yêu quý thầy cô và các em có cảm giác như ở nhà khi đến trường.
Tập thể đội ngũ giáo viên trong trường đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong quản lý giáo dục học sinh, tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Kỉ cương- tình thương và trách
nhiệm” cùng với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”; luôn chia se, thông cảm, yêu thương học sinh, hết lòng vì học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngoài việc truyền đạt kiến thức văn hóa cho các em, các thầy cô giáo thường xuyên uốn ắn, dạy bảo các em trong từng lời ăn, tiếng nói, nhắc nhở các em việc vệ sinh cá nhân. Các thầy cô giáo luôn gương mẫu, xây dựng mối quan hệ thầy trò đầm ấm, tôn trọng nhân cách của học sinh, thầy cô thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Từ sự nổ lực không mệt mỏi của từng thầy, cô giáo trong hội đồng sư phạm nhà trường đã gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ. Trong năm học qua, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, hội thi: Giải nhất, nhì thi viết chữ đẹp cấp huyện. Giải nhất, nhì, ba thi “Giao lưu tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số” cấp huyện. Giải nhì, ba “Giao lưu tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số” cấp tỉnh.
Đó là những dấu hiệu đáng mừng của nhà trường, hy vọng rằng trong năm học tới và sau này nhiều tấm gương tốt đẹp nữa sẽ tiếp tục nở trên ngôi trường vùng khó khăn, sẽ đào tạo ra nhiều bông hoa tốt để sau này các em đem hết khả năng của mình phục vụ lại cho địa phương nơi nuôi mình khôn lớn và cống hiến nhiều cho xã hội.
Tập thể sư phạm nhà trường
(Đăk Rơ Nga – ĐăkTô)