Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2016): Hành trình 105 năm, ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Lượt xem:
Ngày này, cách đây vừa tròn 105 năm, vào ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn – Gia Định (Nay là thành phố Hồ Chí Minh) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cuộc hành trình của Người đã qua 3 Đại dương, 4 Châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới, đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất, nhà tan, các thế hệ người dân Việt Nam lúc bấy giờ đều mong muốn đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh nước mất, nhà tan và nỗi thống khổ của nhân dân, Người quyết định phải tìm ra con đường đúng đắn, nhằm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược để cứu nước, cứu dân. Khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một ý chí với quyết tâm cháy bỏng đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Nguyễn Ái Quốc đã đi qua gần 30 nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và Người đã rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Cũng từ đây, Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, bóc lột và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Thời gian từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách Mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, Người đã tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô … Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặc vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, đói nghèo và lạc hậu.
Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; Ngày 02/9/1945, Người đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập rèn luyện.
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chi Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ngày 07/5/1954. Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn từ năm 1954 – 1975, Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đồng thời hai cuộc chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đối với cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai nguỵ Sài Gòn, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam và các cuộc tập kích bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ vào miền Bắc. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, giang sơn thu về một mối, hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang sử chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và có tính chất thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta – Kỷ nguyên của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước; phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta ra sức khắc phục hậu qủa nặng nề do chiến tranh để lại, cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng đất nước; đưa đất nước sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển. Chính từ những quan điểm, nhận thức đúng đắn, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; mà Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã quyết định thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, mà bắt đầu từ đổi mới tư duy, đã đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn thách thức, những trì trệ do cơ chế quan liêu bao cấp để lại. Đường lối, sáng tạo tuyệt vời đó của Đảng ta đặt nền tảng cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại chưa từng có cho dân tộc Việt Nam.
Từ chuyến đi lịch sử của 105 năm về trước, Bác Hồ đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam rực rỡ cho đến ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại, Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước càng thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội (khóa XIV) vào cuộc sống./.
Nguyễn Đăng Bình