Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Nhà giáo dục nhân dân ưu tú vĩ đại của Cách mạng Việt Nam
Lượt xem:
Sự nghiệp cách mạng Việt Nam được bắt đầu từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) lãnh đạo. Đảng là một tổ chức chính trị tiên tiến đặc biệt của giai cấp công nhân và nhân dân yêu nước, tiếp thu tận gốc chủ nghĩa Mác – Lê Nin lấy dân làm gốc, lấy nước làm cội nguồn đã đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, gắn liền với đất nước và dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới – thời kỳ “bài phong, đả thực, phản đế, chống phát-xít” của nhân dân ta vào những năm 1930-1945.
Tinh thần “bài phong, phản đế, đả thực” không chỉ bắt đầu từ ngày 05/6/1911, thanh niên hay thầy giáo Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mà tinh thần này đã nhem nhúm rồi bộc lộ ra từ ngày anh tham gia cuộc biểu tình của đông đảo nông dân 6 huyện tỉnh Thừa Thiên đòi giảm sưu cao, thuế nặng dưới chế độ thực dân Pháp tại Tòa Khâm sứ ở Huế vào tháng 5/1908.
Sau đó, Nguyễn Tất Thành theo cha đi nhậm chức vào Bình Định rồi một mình tiếp tục đi vào thị xã Phan Thiết và đã trở thành thầy giáo của trường Dục Thanh (dạy theo lối giáo dục mới của trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Hà Nội) được phân công dạy Hán văn và Quốc ngữ ở lớp nhì (tức lớp 5 bậc tiểu học cấp 1 có 5 lớp: nhất, nhì, ba, tư và năm). Tuy nhiên, trường này chưa phải là nơi lập thân lâu dài của thanh niên Nguyễn Tất Thành được gia đình giáo dục từ thuở thiếu thời có tầm nhìn xa, trông rộng cao hơn, nhất lá có một tấm lòng yêu nước thương dân nồng nàn của một nhà giáo ở một thành phố nhỏ trong nước mà là của nhà giáo dục lớn có tinh thần cách mạng tầm cỡ thế giới với mục đích không những có tư tưởng “bài phong, phản đế, đả thực” mà còn có chí lớn là lật đổ chế độ phong kiến lạc hậu nhiều thế kỷ ở Việt Nam và đánh đổ thực dân Pháp đô hộ nước nhà mấy chục năm để mưu đồ giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước thoát khỏi ách đô hộ của giặc ngoại xâm tiến đến xây dựng một đất nước mới.
Để thực hiện chí lớn đó, thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm tìm đường ra nước ngoài để mở rộng tầm nhìn và tìm kiếm một con đường cứu nước khác hơn những bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám v.v…Văn minh, tiến bộ thế giới là trường học lớn của thanh niên yêu nước Việt Nam đầy nhiệt huyết. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đổi tên Nguyễn Ái Quốc để tham gia hoạt động chính trị giữa xã hội nước Pháp. Rồi từ một nhà chính trị – xã hội Pháp Nguyễn Ái Quốc bỗng bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lê Nin, chủ nghĩa làm nên Cách mạng tháng Mười Nga đánh đổ cả phong kiến, tư bản và đế quốc lập nhà nước Xô viết vĩ đại đầu tiên trên thế giới theo chế độ Cộng sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Từ một học trò trung thành và ưu tú của Các Mác – Lê Nin, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu vừa học vừa dạy ở trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Mát-xcơ-va (1923 – 1924). Tiếp thu được tinh hoa văn hóa cộng sản và công nhân lao động thế giới, nhà giáo dục cộng sản thế giới này liền hướng về quê hương đất nước đang ngày càng chìm đắm trong ngục tù của thực dân, phong kiến mà Người cần phải tổ chức thực hiện một cuộc cách mạng to lớn, toàn diện như Cách cuộc tháng Mười Nga để giành độc lập cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Ngày 11/11/1925 Người tới Quảng Châu (Trung Quốc) lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và mở lớp học huấn luyện chính trị đầu tiên cho một số thanh niên yêu nước đến từ Việt Nam. Chính học viên lớp học đầu tiên về cách mạng Việt Nam và còn nhiều lớp kế tiếp nữa được thầy giáo Nguyễn Ái Quốc tổ chức và đích thân đứng lớp giảng dạy đã trở về Việt Nam làm hạt nhân cho Đảng, cho phong trào đấu tranh cách mạng chống thực dân, phong kiến và các thế lực phản động.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã tạo ra tình thế cách mạng mới cho các cuộc đấu tranh giành độc lâp tự do cho đất nước. Người sáng lập và rèn luyện Đảng đầu tiên không ai khác là Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người trở thành Nhà giáo cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam. Nói đúng hơn, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chẳng những là nhà cách mạng mà còn hơn thế nữa, Nhà giáo lớn của dân tộc Việt Nam làm nên sự nghiệp cách mạng vô cùng vĩ đại với con người vĩ đại có một tấm lòng vĩ đại vì Đảng, vì dân, vì nước.
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” là tên cuốn sách mà Nguyễn Ái Quốc đã biên soạn đầu tiên để huấn luyện những lớp cán bộ đầu tiên của Đảng về tư cách người cách mạng. Đạo đức cách mạng và đạo đức cộng sản là tư tưởng chủ đạo làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục con người cộng sản chủ nghĩa mà Người và Đảng ra sức vun đắp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và nhà nước cộng sản chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo vừa là người thầy.
Nguyễn Ái Quốc luôn là nhà giáo dục cách mạng Việt Nam đã sáng tác ra không biết bao nhiêu là sách báo, tài liệu từng lúc từng nơi để rèn luyện liên tục nhiều thế hệ cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, ngay khi còn ở nước ngoài. Vừa trở về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Người bắt tay ngay vào công tác giảng dạy ở hang Pắc Bó và làm việc, soạn giáo án (dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Nga) ngay trên chiếc bàn đá chông chênh bên đầu nguồn suối Lê Nin dưới chân núi Các Mác (do Người đặt tên). Người mở các lớp tập huấn cho cán bộ Đảng từ các nơi tụ về để bắt đầu cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng mới theo Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 (5/1941).
Bức thư “Kính cáo đồng bào” chẳng những là lời kêu gọi, cuộc vận động, động viên nhân dân cả nước đứng lên làm cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn là bài học lịch sử giáo dục về tinh thần yêu nước cho mọi tầng lớp nhân dân. Liên tiếp Người soạn giáo án bằng thơ để dạy cho từng giới như bài Dân cày, Phụ nữ, Kêu gọi thiếu nhi, Công nhân, Ca binh lính, Tự vệ… Đặc biệt, Người còn soạn cả giáo án huấn luyện quân sự như “Cách đánh du kích” có nội dung như một “Binh thư yếu lược” chứng tỏ tài thao lược của một nhà giáo quân sự đáng nể. Tác phẩm “Lịch sử nước ta” được Người soạn với một phương pháp mới để dạy theo cách mới cho người học mới.
Tình thế đưa đẩy, nhà giáo cách mạng bị rơi vào cảnh tù đày chỉ hơn một năm dài (Nhất nhựt tại tù, Thiên thu tại ngoại) để Người có cơ hội và điều kiện sáng tác thi phẩm nổi tiếng “Nhật ký trong tù”(bằng Hán văn) chẳng những thể hiện tư tưởng cách mạng của nhà giáo vĩ đại mà còn là những bài học rèn luyện con người cách mạng đáng giá – là sách dạy làm người có giá trị vượt thời gian.
Trong 9 năm kháng chiến toàn quốc, vừa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong gian khổ, hiểm nguy ở chiến khu Việt Bắc, Người vừa tiếp tục sáng tác, soạn bài dạy học cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động, chiến sĩ và cho cả nhân dân. Giữa lúc quân Pháp tấn công bao vây Việt Bắc (tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của Đảng, của Chính phủ vẫn ung dung soạn giáo án “Sửa đổi lối làm việc” để giáo dục đạo đức cách mạng, phương pháp lãnh đạo cho cán bộ, đảng viên. Đây là sách dạy học – giáo trình “gối đầu giường” cho cán bộ công chức được soạn thảo trong kháng chiến nhưng có giá trị lâu dài trong quản lý nhà nước thời bình, vừa rèn luyện bản thân vừa ứng xử với nhân dân mà ngày nay trở thành những bài học đạo đức sâu sắc cho nhiều thế hệ. Hai tác phẩm – giáo án của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh để lại cho đời trước lúc đi xa, có nội dung giá trị rèn luyện đạo đức cách mạng và đạo đức cộng sản sâu sắc nhất cho nhiều thế hệ, phải kể đến là: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là sách học làm người vô cùng quý giá cho mọi người trong mọi hình thái xã hội từ người cán bộ công chức đến người công nhân lao động và nhân dân trong nước, hơn nữa còn là loại sách “bỏ túi” mang tính nhân văn và văn học của người nước ngoài muốn quan tâm tới con người và xã hội.
Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một nhà giáo vĩ đại, là một “nhà sư phạm bách khoa” từ lý luận khoa học đến hành động thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lê Nin của mọi thế hệ, xứng đáng cho hậu sinh tôn vinh là “Vạn thế sư biểu”. Khi còn là một thanh niên yêu nước của làng Sen với tên tộc Nguyễn Tất Thành, khi trở thành nhà hoạt động cách mạng ở nước ngoài với danh xưng thấm đậm tình tự dân tộc Nguyễn Ái Quốc, thời gian làm Chủ tịch nước nổi tiếng với bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 Hồ Chí Minh được thế giới tiến bộ ca ngợi là nhà văn hóa của nhân loại…, tất cả tên tuổi và sự nghiệp của Người thầy, hơn nữa nhà mô phạm đáng để cho nhân dân Việt Nam kính mến và học tập, noi gương với khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”./.
Nguyễn Đăng Bình