Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh trong vấn đề “học đi đôi với hành” trong dạy và học
Lượt xem:
Tư tưởng giáo dục “học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận rất quan trọng trong kho tàng lý luận về giáo dục, được Bác thường xuyên đề cập từ năm 1945, đến khi Người vĩnh biệt chúng ta. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, năm 1960, Đảng lao động Việt Nam đã khẳng định “Công tác giáo dục phải phục vụ nhiệm vụ và đường lối cách mạng của Đảng, phải nắm vững phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tế, học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục xã hội ” [1]. Từ đó “Học đi đôi với hành” được coi là mục tiêu, nguyên lý, phương pháp, phương châm dạy và học của nền giáo dục cách mạng nước ta.
Theo quan điểm của Người, “học” là một hoạt động nhận thức, là quá trình tiếp thụ tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, các phẩm chất văn hoá – đạo đức… một cách tích cực, toàn diện và thường xuyên của mỗi người. Tính tích cực của việc học thể hiện ở chỗ học không chỉ để hiểu biết, không dừng lại ở hiểu biết mà thông qua học cá nhân trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết làm hình thành nhân cách, năng lực phù hợp với yêu cầu của hoạt động thực tiễn. Học là quyền lợi, là trách nhiệm của mỗi người dân, Bác viết: “mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [2] học bao giờ cũng gắn với những nhu cầu, mục đích cụ thể. Trước hết, gắn liền với mỗi cá nhân thì học là nhằm “cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào cải tạo xã hội”. Vượt trên động lực cá nhân, học trong nhà trường XHCN còn gắn liền với mục tiêu cao cả của Cách mạng là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” [3], “Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết… Để xây dựng chủ nghĩa xã hội” [4] .
“Hành” tức là thực hành, là làm việc. “Hành” là con đường duy nhất, hiệu quả nhất, là mục tiêu cuối cùng của học tập. Nội dung “hành” trong tư tưởng của Người là sự vận dụng những điều đã học nhằm giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Nếu coi “học” là việc tiếp thụ tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, thì “hành” là sự vận dụng những tri thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn để giải quyết bài tập, vận dụng vào hoạt động lao động sản xuất, cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình. “Hành” là kết tinh của việc học, hiệu quả công việc trong hiện tại và xu hướng hành vi của mỗi người như thế nào chủ yếu bị quy định bởi chất lượng học trước đó của chính họ; “Hành” cao cả nhất là hành động cách mạng nhằm cải tạo xã hội, có tác dụng hình thành con người với tư tưởng, tình cảm và hành vi cao đẹp, góp phần vào sự nghiệp chung của tập thể, của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữa “học” và “hành”, Bác cho rằng “học” phải đầy đủ, toàn diện, sát thực tế; “hành” phải linh hoạt, mềm dẻo; muốn mọi việc làm, mọi hành động cách mạng luôn đúng đắn thì “khi trở về làm việc, cần phải áp dụng những điều đã học cộng với kinh nghiệm của mình vào công việc thực tế một cách khôn khéo, mềm dẻo, phù hợp với hoàn cảnh chứ không nên máy móc” [5].
Xuất phát từ nguyên lý quan hệ biện chứng lý luận gắn với thực tiễn, việc học tập lý luận và hành động cách mạng cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, Bác lưu ý “lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng… Hoạt động sản xuất là nền tảng của thực hành, nó quyết định tất cả các hoạt động khác… muốn hiểu biết lý luận và phương pháp cách mạng, phải thực hành tham gia cách mạng…” [6]“Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải biết kết hợp với thực hành…” [7]. Từ nguyên lý trên, Bác đã chỉ ra một cách cụ thể về việc vận dụng phương thức học đi đôi với hành, Bác nói “ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo, v.v., có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến…” [8], “các em sẽ phải vừa làm vừa học, nghiên cứu không những trong sách vở mà ngay trong những công tác của mình” [9]; đối với cán bộ, đảng viên Bác nói,“Học tập làm cho mỗi đảng viên nâng cao quyết tâm phấn đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản, biến quyết tâm đó thành hành động thực tế trong lao động sản xuất, trong chiến đấu và đời sống hằng ngày” và“Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế. Học xong, về xí nghiệp, về hợp tác xã, về cơ quan… Phải biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế. Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông” …[10].
Với tư tưởng nêu trên Bác đã chỉ cho chúng ta thấy rằng việc “hành” là mục tiêu, động lực của “học và hành” vừa là môi trường trải nghiệm để học tập hiệu quả nhất, vừa là kết tinh, là biểu hiện bên ngoài của việc học. Dạy – học không phải là một quá trình truyền đạt, tiếp thụ tri thức một cách thụ động, một chiều mà ở đó diễn ra sự tương tác hai chiều trong dạy – học và học – dạy. “Học đi đôi với hành” còn là nguyên lý, phương pháp trong dạy và học, Người nhắc nhở phải hết sức tránh “giáo điều”, “máy móc”, Người nói “đi học thì phải có mở lòng, tức phải biết học để làm gì, học như thế nào… trong khi các cô, các chú nghiên cứu tài liệu, không phải học thuộc lòng. Dù có thuộc từ đầu chí cuối mà không biết cách áp dụng vào thực tế thì thuộc cũng vô ích, đó là giáo điều”[11], “Cán bộ trong khi học tập nghiên cứu như nghiên cứu về xã hội, con người và sự vật thì phải xem xét toàn diện, xem quá khứ, nhất là xem hiện tại để hiểu biết và suy đoán tương lai. Có thế mới nhận định tình hình, mới nhận xét sự việc xảy ra được đúng đắn” [12]… “Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Không tham nhiều, không nhồi sọ. Dạy một cách thiết thực. Lý luận gắn chặt với thực hành” [13].
Người nêu yêu cầu việc dạy và học phải đảm bảo tính toàn diện về đạo đức, năng lực “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng” [14]. Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo như thế nào trước hết phụ thuộc vào quá trình tương tác giữa giáo viên và học viên, Bác khẳng định: “Học trò tốt hay xấu đều do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu… phải luôn luôn đặt câu hỏi: Dạy ai?… Dạy để làm gì?… lúc đó mới tìm cách dạy… quần chúng công nhân, nông dân, trí thức có nhiều kinh nghiệm. Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiệm để tìm cách dạy tốt” [15]. Theo đó, trước và trong khi giảng dạy, mỗi giáo viên, giảng viên cần nắm rõ trạng thái tâm lý, đạo đức, năng lực chung của người học từ đó có sự lựa chọn phương pháp, nội dung, vấn đề mang tính trọng tâm, trọng điểm để trao đổi, gợi mở hướng nghiên cứu. Bên cạnh đó mỗi giảng viên cũng hết sức chú trọng việc nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội, cập nhật thông tin kịp thời so với những vận động, thay đổi nhanh chóng của đời sống và những sửa đổi, bổ sung không ngừng của chính sách, pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Tư tưởng giáo dục “học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận rất quan trọng trong kho tàng lý luận về giáo dục; học đi đôi với hành là mục tiêu, nguyên lý, phương pháp, phương châm dạy và học của nền giáo dục nước nhà. Mỗi giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên cần có nhận thức, thái độ đúng đắn trong dạy và học; thực sự coi việc học tập và làm theo tư tưởng “học đi đôi với hành” của Bác Hồ là con đường duy nhất đúng để việc dạy, việc học của mỗi cá nhân có hiệu quả hơn. Việc mỗi cá nhân, tập thể học tập và làm theo tư tưởng“học đi đôi với hành” của Bác Hồ cũng là cách thức góp phần làm cho hình ảnh, hệ thống Tư tưởng và tư tưởng “học đi đôi với hành” của Người luôn sống mãi trong sự nghiệp trồng người của chúng ta./.
Nguyễn Đăng Bình
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tỉnh Kon Tum
142 Bà Triệu, Thành phố Kon Tum, Tỉnh Kon Tum
Nguyễn Đăng Bình