GIÁO DỤC SỰ HIỂU BIẾT VÀ TÌNH YÊU KON TUM TỪ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA, LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

GIÁO DỤC SỰ HIỂU BIẾT VÀ TÌNH YÊU KON TUM  TỪ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA, LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Huỳnh Thị Thu Vân

Được dòng ĐăkBLa nên thơ uốn quanh, bồi đắp phù sa màu mỡ, Kon Tum hiện ra như nàng tiên được núi rừng ấp ủ nay bừng tỉnh giấc. Đi qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, Kon Tum đã trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc, là tình yêu và là niềm tự hào của bao thế hệ sinh sống và làm việc nơi đây.

Với thế mạnh và tiềm năng lớn về đất đai, rừng, thủy điện, du lịch, phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và chăn nuôi đại gia súc; với đặc trưng thiên nhiên ban tặng; là vùng đất anh hùng, với văn hóa mang đậm dấu ấn riêng, sự hiểu biết và tình yêu về Kon Tum luôn được giáo dục, hình thành và thắp lửa trong trái tim của từng thế hệ học sinh.

Giáo dục sự hiểu biết về Kon Tum với nhiều hình thức

Với nhiều phương thức tiếp cận khác nhau, các cơ sở giáo dục đào tạo Kon Tum đã ươm mầm, bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào đó cho học sinh. Từ năm học 2008-2009, Sở GD&ĐT Kon Tum đã tổ chức biên soạn bộ Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum dùng cho học sinh, giáo viên các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của tỉnh Kon Tum. Tài liệu giáo dục địa phương Kon Tum nhằm giúp cho học sinh có điều kiện gắn kết những kiến thức được học với những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà; từ đó giúp các em hiểu biết, hòa nhập hơn với môi trường mình đang sống, tự hào và có ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương.

Từ nhiều năm nay, các trường học đã tổ chức triển khai có hiệu quả tài liệu dạy học này. Các nội dung mang tính đặc thù địa phương được biên soạn riêng cho từng tiết học hoặc hướng dẫn tích hợp vào các bài học sách giáo khoa. Đặc biệt, đối với hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, học sinh được học thông qua hoạt động trải nghiệm với các hình thức phổ biến như: hình thức mang tính khám phá (thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại); hình thức có tính trình diễn (diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa) và hình thức có tính cống hiến như hoạt động xã hội – tình nguyện. Cụ thể là các trường học đã tổ chức cho các em đi thăm những gia đình thương binh, liệt sĩ; quét dọn vệ sinh tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tham quan mô hình trồng cây, nuôi gia súc của một số doanh nghiệp… tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng, Thư viện tỉnh, tham quan làng nghề (dệt thổ cẩm, làm gốm, đan lát). Không riêng gì cấp tiểu học, cấp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đang rất chú trọng tới việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh. Với nhiều hình thức đa dạng như: Sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, lao động công ích…

Thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo này, học sinh được vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời biết chia sẻ và quan tâm đến mọi người xung quanh, hiểu biết hơn về địa phương mình đang sinh sống, qua đó phát triển năng lực sáng tạo, giáo dục đạo đức cho học sinh.

Đòi hỏi từ Chương trình GDPT mới

Trong chương trình GDPT mới, vai trò của hoạt động trải nghiệm sẽ được nhấn mạnh dưới góc độ phát triển phẩm chất, năng lực của người học, vì vậy, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp rất quan trọng. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn. Từ đó hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân.

Nội dung hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ dừng ở các nội dung của các chủ đề gắn với đời sống chính trị, xã hội mà còn chú trọng vào các hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Các nội dung này đảm bảo được các yêu cầu giáo dục về phát triển bản thân, về giáo dục lao động, về trách nhiệm xã hội và chuẩn bị cho học sinh đến với thế giới nghề nghiệp. Ngoài ra, chương trình còn thể hiện sự thống nhất tất cả các nội dung giáo dục trong nhà trường vào một hoạt động trải nghiệm như nội dung giáo dục của các hoạt động sinh hoạt tập thể, sinh hoạt Đội, Sao Nhi đồng, sinh hoạt Đoàn đều được lồng ghép vào chương trình này. Điều này tạo sự thống nhất trong quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động ở các nhà trường để hướng tới mục tiêu chung. Chương trình mới thể hiện tính mở, linh hoạt, vì thế các cơ sở giáo dục dựa trên khung nội dung có thể chủ động phát triển chương trình phù hợp với địa phương, với nhà trường và phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Lối đi nào cho  việc giáo dục văn hóa, lịch sử Kon Tum qua hoạt động trải nghiệm

1.Để đáp ứng nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới, nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh có hiểu biết, hòa nhập hơn với môi trường mình đang sống, tự hào và có ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, cần thiết phải xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương phù hợp với yêu cầu mới, trong đó có hoạt động trải nghiệm. Dựa vào các yêu cầu cần đạt về năng lực thông qua khung nội dung cơ bản của Bộ GD&ĐT, ở hoạt động trải nghiệm, cần phải thiết kế nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử của địa phương; cần thiết kế các hoạt động cụ thể, nội dung mang nét đặc trưng của dân tộc bản địa Kon Tum, cụ thể như: Tổ chức cho học sinh tìm hiểu các phong tục tập quán của các dân tộc và các giá trị văn hoá tiêu biểu; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, các làng nghề, các mô hình sản xuất, nuôi trồng, các di tích lịch sử ở địa phương nơi các em đang sống nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, kích thích khả năng giải quyết vấn đề, đánh giá kết quả hoạt động; chú trọng sử dụng tích hợp nhiều phương tiện trực quan  giúp cho học sinh dễ hiểu, dễ thực hành và tạo được hứng thú cho học sinh.

  1. Ở Chương trình giáo dục địa phương này, cần khắc phục những khó khăn thực tế đảm bảo cho các hoạt động diễn ra ổn định và đạt hiệu quả, nội dung hoạt động đa dạng và kết nối với chủ thể văn hóa và các lực lượng có liên quan. Nhất là hỗ trợ giáo viên thiết kế kế hoạch khoa học, có tính khả thi cao và sử dụng các phương pháp hợp lí, hiệu quả; hỗ trợ việc lựa chọn và kết nối với các công trình, di tích để tổ chức hoạt động trải nghiệm tránh hình thức, tạo cơ hội tiếp cận kiến thức, sự hiểu biết và tình yêu quê hương như mong muốn.

Hiệu quả của Chương trình giáo dục địa phương theo yêu cầu đổi mới phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó cần phải có các phương tiện, điều kiện, các nghiên cứu cũng như nguồn tài chính. Vấn đề này cần cộng đồng trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, được quan tâm chỉ đạo sâu sắc và thường xuyên, có định hướng, kế hoạch trước mắt và lâu dài.

  1. Để hoạt động trải nghiệm-môn học mới của Chương trình GDPT mới đạt mục tiêu, cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và sự chia sẻ, hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Với điều kiện của mình, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ để cung ứng đủ các cơ hội học tập, đủ các thiết chế giáo dục với các hình thức giáo dục cho bất kỳ trình độ nào và thực hiện dạy học trong các không gian, thời gian. Đối với nội dung trải nghiệm văn hóa, lịch sử, cần đẩy mạnh hơn sự phối hợp giữa ngành VH,TT&DL và ngành GD&ĐT. Mối quan hệ cần được thiết lập sâu sắc dựa trên thế mạnh của từng đối tác, cùng chia sẻ trách nhiệm và nguồn lực, nhằm đem lại kết quả đầu ra mong muốn.

Lực lượng làm công tác văn hóa có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động trải nghiệm hoặc trợ giúp nghiên cứu, thu thập tư liệu, kết nối với cộng đồng chủ thể văn hóa và đảm trách vai trò tư vấn cho giáo viên trong quá trình dạy học, giáo dục có liên quan vv… Chính vì thế, các chương trình hợp tác cần được xác lập rõ ràng; được triển khai và hiện thực hóa bằng các kế hoạch cụ thể, có chất lượng và chiều sâu.  Ở đó, có sự phân công rõ ràng, sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và các lực lượng văn hóa địa phương. Ở đó thể hiện rõ cách chia sẻ tiềm năng, thế mạnh; cách tham gia của mỗi bên ở các hoạt động; cách chọn mẫu tác động cũng như phân kỳ đầu tư nguồn lực. Và định kỳ giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Giữa hai Ngành cần có kế hoạch tập hợp tri thức địa phương bằng cách phát huy các nhân tố tích cực của cộng đồng vào cuộc. Tìm ra những nguồn lực sẵn có của cộng đồng để hỗ trợ nhà trường trong giáo dục học sinh, đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn ở cộng đồng như trường bản, già làng, phụ nữ, thanh niên, cựu giáo chức… và nguồn lực tình nguyện khác.

Sự hiểu biết và tình yêu về Kon Tum sẽ được thẩm thấu trong từng thế hệ học sinh nếu được tác động liên tục về không gian, thời gian và từ mọi lực lượng giáo dục. Khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, học sinh được bồi dưỡng về mặt tình cảm, đạo đức, lòng yêu quê hương đất nước. Mặt khác, các em có được cái nhìn hệ thống về mối quan hệ giữa văn hóa, lịch sử dân tộc và văn hóa, lịch sử địa phương Kon Tum; thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Thông qua các hoạt động thực tiễn, học sinh trở nên tự chủ hơn, có những kỹ năng sống; có hứng thú, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động của lớp, của trường; đặc biệt được bồi dưỡng về mặt tình cảm, đạo đức, bồi đắp tình yêu đối với đầt và người Kon Tum.