Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Nói đi đôi với làm”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh một danh nhân Văn hoá thế giới, lãnh tụ thiên tài kính yêu, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc của đất nước ta, luôn luôn coi trọng sự thống nhất giữa “lời nói đi đôi với việc làm”, coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng. Bản thân Người là tấm gương sáng ngời về “nói đi đôi với làm”.

Đối với lời nói, Bác Hồ nhấn mạnh: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Theo ý của Bác, việc nói, viết của cán bộ, đảng viên phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, đúng với thực tế khách quan, phải ngắn gọn, rõ ràng, rõ mục đích, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện.

Đối với việc làm, Bác Hồ yêu cầu cán bộ, đảng viên: việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Người biểu dương và yêu cầu cán bộ, đảng viên dám nói, dám làm, năng động, sáng tạo. Theo Người: “Cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Đó cũng là dũng khí của những cán bộ hết lòng, hết sức  phụng sự Tổ quốc, vì Đảng, vì dân, vì nước.

Bác Hồ chỉ rõ rằng: mục đích xuyên suốt chi phối lời nói và việc làm của người cán bộ, đảng viên là “tất cả vì dân”. Đây là tiêu chí cơ bản để đánh giá tư cách, đạo đức, tác phong công tác của người cách mạng. Đối với cán bộ, đảng viên, Bác nói rất thẳng thắn: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ  “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Sự nêu gương về đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong sinh hoạt đời thường, trong từng hành vi nhỏ nhất.

Trong thực tế, nói thì dễ, làm mới khó; khuyên người khác thì dễ, nhưng làm theo lời khuyên đó thì khó hơn nhiều. Nhưng, sẽ là sai lầm khi tuyệt đối hoá việc làm đến mức chỉ có làm mà không biết nói, không biết tổ chức tuyên truyền, giáo dục những việc tốt, những điển hình tiên tiến thì sẽ không phát huy hết hiệu quả của việc làm. Như vậy, sự thống nhất biện chứng giữa lời nói và việc làm đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa nói hay, vừa làm giỏi. Cố nhiên, sự thống nhất biện chứng ấy không có nghĩa là lời nói và việc làm lúc nào cũng phải cân bằng tuyệt đối với nhau mà luôn luôn tuỳ thuộc vào từng môi trường, lĩnh vực, công việc cụ thể.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói nghèo. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Nói đi đôi với làm” chúng ta cũng phải coi trọng tự phê bình và phê bình. Người dạy cán bộ, đảng viên và mọi người chúng ta: không sợ khuyết điểm, không sợ phê bình, mà chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm và không có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sẽ dẫn đến khuyết điểm ngày càng to và hư hỏng. Tự phê bình phải được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “phải nghiêm khắc với chính mình”. Phê bình phải có mục đích là xây dựng tổ chức, xây dựng con người, xây dựng đời sống tình cảm và quan hệ đồng chí, quan hệ xã hội lành mạnh, trong sáng, có lý, có tình. Phải khắc phục bệnh chuộng hình thức, thích nghe lời khen, (thậm chí xu nịnh), tâng bốc nhau, không dám nói thẳng, nói thật để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, cần phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân, vụ lợi mà “đấu đá”, nhân danh phê bình để đả kích, lôi kéo, chia rẽ, làm rối nội bộ.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và những thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Hơn lúc nào hết, hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý đạo đức trong Đảng và trong nhân dân. Do vậy việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Nói đi đôi với làm” là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác “Nói đi đôi với làm” là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam.

Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Nói đi đôi với làm” là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Vấn đề cơ bản nhất khi thực hiện cuộc vận động là mỗi người chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn của sự thống nhất biện chứng giữa lời nói với việc làm. Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã noi gương Người phấn đấu quên mình, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lời nói đi đôi với việc làm, được quần chúng tin yêu, mến phục. Học tập đạo đức của Bác Hồ về “lời nói đi đôi với việc làm” là rất khó; nhưng nếu tất cả mọi người chúng ta với quyết tâm cao và với tấm lòng trong sáng, tất cả vì việc chung, vì dân, vì nước vì cộng đồng, thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được./.

Nguyễn Đăng Bình- Ủy ban MTTQVN Tỉnh Kon Tum