Kỳ thi THPT quốc gia 2015 tác động mạnh mẽ đến chủ trương phân luồng

Lượt xem:

Đọc bài viết

Đây là một trong những ưu điểm của phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được NGƯT. PGS.TS Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum phân tích, nhận định.

 Nhiều ưu điểm trong 1 phương án

Sau khi nghiên cứu phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia Bộ GD&ĐT vừa công bố, ông Nguyễn Sỹ Thư nhận định đây là phương án thi có nhiều ưu điểm.

Cụ thể, phương án này phù hợp với tình hình giáo dục Việt Nam nói chung và đặc biệt là với tình hình giáo dục các vùng miền hiện nay; cũng phù hợp cho nhiều đối tượng học sinh với nhiều trình độ khác nhau.

Việc tổ chức thi với 2 địa điểm (địa phương và cụm) cũng giúp đạt được những mục đích khác nhau trong một kỳ thi cuối cấp THPT.

Một trong những ưu điểm được ông Nguyễn Sỹ Thư nhấn mạnh, đó là phương án này có tác động mạnh mẽ và rõ ràng đến việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh ngay từ những năm học THPT.

Phương án này cũng phù hợp với yêu cầu, tính chất khác nhau của từng điểm tổ chức thi như thi tại cụm để xét vào đại học, cao đẳng; thi tại địa phương chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

“Kỳ thi cũng đảm bảo yếu tố khách quan cần thiết để tuyển học sinh có năng lực vào các trường đại học, cao đẳng trong điều kiện giáo dục hiện nay của nước ta; đảm bảo yêu cầu 2 trong 1 mà chúng ta đã đặt ra trong việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng” – Giám đốc Nguyễn Sỹ Thư nhận định.

Học sinh được hưởng lợi từ phương án thi mới

Một trong những điều khiến vị Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum yên tâm với phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là những thuận lợi cho thí sinh mà phương án này đem lại.

Theo đó, việc vừa thi theo cụm dưới sự chủ trì của các trường đại học, cao đẳng; vừa tổ chức thi tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh chủ động lựa chọn điểm thi phù hợp với năng lực học tập, hoàn cảnh kinh tế, nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp của cá nhân.

Cách làm này cũng tạo cho học sinh sự chủ động trong quá trình học tập. Đảm bảo yếu tố vừa sức trong giáo dục.

“Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng có nhiều đối tượng học sinh với nhiều tầng năng lực, nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhất là học sinh dân tộc thiểu số, phương án này tạo cho học sinh Tây Nguyên, Kon Tum nhiều sự lựa chọn tích cực và có hiệu quả thực sự” – ông Nguyễn Sỹ Thư khẳng định.

Tuy nhiên, để việc tổ chức dạy học và công tác hướng nghiệp trong nhà trường chủ động hơn, ông Nguyễn Sỹ Thư đề nghị các trường đại học, cao đẳng cần xác định những yêu cầu cũng như phương hướng tuyển sinh của trường mình sớm hơn để học sinh chủ động trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp.

 

Ông Trương Anh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông: Không lo ngại với môn Ngoại ngữ

Tôi rất đồng tình với Bộ GD&ĐT khi quyết định tổ một kỳ thi chung theo phương án 1 (thi theo môn). Việc tổ chức một kỳ thi chung thể hiện quyết tâm đổi mới của Bộ, và việc đổi mới phải được thực hiện từng bước, thay đổi không gây sự xáo trộn quá đối với đa số học sinh và thầy cô giáo; nếu thuận lợi đến năm 2017, 2018 có thể thực hiện theo phương án 3.

Việc tổ chức một kỳ thi chung không gây trở ngại gì lắm đối với hoc sinh Tây Nguyên. Trong các môn thi, người ta lo ngại môn ngoại ngữ, nhưng thật ra học sinh Tây Nguyên cũng được học Ngoại ngữ tương đối tốt.

Đó là chưa kể, Bộ GD&ĐT đã uyển chuyển cho thi thay thế môn Ngoại ngữ ở những nơi chưa đủ điều kiện.

Điều làm tôi băn khoăn là một số trường đại học, cao đẳng được phép chọn phương án tuyển sinh riêng. Nếu các trường tiếp tục kiểm tra đầu vào, làm cho học sinh đi lại vất vả hơn và tốn kém nhiều hơn so với mọi năm.

Hiếu Nguyễn (ghi)

Bài viết này đăng ở Báo Giáo dục và Thời đại, Sở GD&ĐT trích dẫn

http://m.giaoducthoidai.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-tac-dong-manh-me-den-chu-truong-phan-luong-304013-v.html