MÓN QUÀ TẶNG THẦY

Lượt xem:

Đọc bài viết

MÓN QUÀ TẶNG THẦY

Huy là giáo viên vùng cao, trường Huy ở khá xa thành phố, muốn về với ánh đèn phố thị Huy phải đi bộ gần 3 km đường rừng, rồi đi xe máy hơn 3 tiếng mới đến. Vì vậy thời gian trong năm học Huy ở lại trường là chủ yếu. Không về thành phố, nhưng Huy cũng không cảm thấy buồn. Trường Huy dạy là một trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, có nhiều học sinh ở xa trường nên ở lại nội trú tại trường, có khi cuối tuần các em cũng không về. Nên Huy thường có thêm những người bạn nhỏ khi rời xa bục giảng. Trong số học sinh ở lại nội trú có một cậu bé tên Hrang, Hrang học lớp 9, lớp cuối cấp. Cậu bé có đôi mắt to, rạng ngời rất đặc biệt. Mái tóc xoăn và thường trở nên rối bù khi tỉnh dậy. Hrang có tài thổi sáo, cây sáo nhỏ bằng trúc mà bố em làm cho luôn được mang bên mình như báu vật. Theo những gì Hrang kể với Huy. Bố Hrang là một tay thiện xạ, những lần đi săn kéo dài cả tuần lễ bao giờ cũng có thành quả. Nhưng cũng chính những lần đi săn như thế đã làm rừng núi nổi giận mà đã giấu bố Hrang đi mất. Đã ba năm sau chuyến đi săn cuối cùng, ông chưa trở về. Mẹ Hrang khóc khô cả nước mắt, khô cả nước trong thùng, khô cả nước trên những nương ngô, rẫy lúa. Hrang lúc đó mới học lớp 6, cậu bé nhỏ xíu như cái kẹo thấm đẫm nước mắt của mẹ ngày trở lại trường với lá đơn xin nghỉ học nguệch ngoạc, sai chính tả, cáu vàng bụi đất. Những cô giáo trẻ trong trường ôm chầm lấy Hrang mà khóc. Cậu bé quay lưng đi, đôi vai nhỏ rung lên, mái đầu khẽ quay về phía lớp học, Hrang lại cúi đầu xuống thất thểu đi về trong ánh trời chiều vàng vọt và gió tung bụi mù. Hoàn cảnh gia đình Hrang khá khó khăn, bố là lao động chính thì mất tích. Người mẹ đã lớn tuổi mới sinh ra Hrang giờ đây trước cái chết của chồng trở nên héo hoắt, buồn rầu và cô độc. Trong nhà, bà nội đã già yếu, nằm liệt giường nuôi hi vọng đứa con trai trở về. Hrang quyết định nghỉ học, ở cái tuổi còn mải vui chơi, chỉ biết ăn biết học, Hrang lại phải từ bỏ.

Trong cuộc họp hội đồng nhà trường, hoàn cảnh của Hrang được nhà trường quan tâm rất nhiều, Ban giám hiệu đã xây dựng phương án giúp Hrang đến trường. Một quỹ học bổng nhỏ được xây dựng từ sự giúp đỡ của một nhà hảo tâm, nhóm thanh niên trường được giao nhiệm vụ giúp đỡ gia đình Hrang trong vụ mùa sắp tới. Nhưng đó là trước mắt, còn lâu dài, việc trước tiên là phải vực dậy tinh thần của mẹ cậu bé. Cô giáo Lai phụ trách việc này. Sau buổi họp, mọi công việc đều được triển khai, cuối tuần các thanh niên trong trường huy động thêm học sinh cùng lên nhà Hrang giúp thu hoạch mùa màng. Những thầy giáo, cô giáo quen với bục giảng, đi cõng lúa, cõng ngô. Lúc đầu đó như một cuộc trải nghiệm khiến ai cũng thích thú, nhưng công việc khá nặng nhọc, cõng gùi lúa lên dốc cao là điều không phải ai cũng làm được. Những giọt mồ hôi đã rơi, đôi chân đã mỏi và tiếng cười nói không còn nữa nhưng cũng không ai muốn dừng lại. Họ cần làm xong việc để có thể đưa Hrang trở lại trường học. Lúc đầu, Hrang nguầy nguậy lắc đầu, chiếc gùi to lớn sau lưng khiến Hrang càng trở nên nhỏ bé. Sau đó thằng bé khóc, vì cảm động. Có lẽ vì đông người mà công việc nhanh chóng hoàn tất sau hai ngày cuối tuần. Thời gian đó, cô Lai ở cạnh mẹ Hrang, nói chuyện với chị, làm việc nhà cùng chị. Sau nỗi đau, đôi chân mẹ Hrang đứng còn không vững, sức đâu mà làm việc. Cô Lai là người thấu hiểu nhất nỗi đau này, bởi chồng cô cũng mất sớm. Hai người phụ nữ, cùng nỗi đau. Mẹ Hrang hiểu, nếu như bắt Hrang nghỉ học, nhà sẽ có thêm người làm nhưng tương lai Hrang sẽ khổ. Cũng có thể vì cảm động trước sự quan tâm của thầy cô mà mẹ Hrang cảm thấy phấn chấn hơn, nhẹ nhàng hơn.

Trong bữa cơm mừng mùa màng, mẹ Hrang nói lời cám ơn mà đôi mắt nhòe nước. Hrang lại đi học trở lại trong sự hân hoan của bạn bè. Cậu nhóc là lớp trưởng lớp 6. Mới đó mà ba năm đã trôi qua, cậu bé tí xíu ngày nào đã lớn lên vạm vỡ, đôi tay rắn chắc, khuôn mặt lúc nào cũng tươi vui vì cậu nhận thấy sự yêu thương của thầy cô dành cho mình. Mỗi năm một lần, mẹ Hrang lại mời thầy cô về nhà ăn cơm vào dịp giỗ bố Hrang. Người phụ nữ già nua ngày nào giờ đã lạc quan hơn, bà nội Hrang vẫn còn sống nhưng đã thôi hi vọng bố Hrang trở về. Bữa cơm đơn sơ nhưng đầy tình cảm. Mẹ Hrang luôn nói lời cảm ơn thầy cô và không quên dặn con học giỏi.

Ngày tổng kết cuối năm, những em học sinh lớp 9 sắp ra trường, các em sẽ đi học xa hơn ở trường nội trú huyện, khó khăn sẽ còn nhiều hơn. Trong giây phút chia tay lưu luyến, Hrang đã xin phép gửi tới thầy cô một món quà. Cậu bé đứng dưới lá cờ, tay cầm cây sáo mà cậu luôn coi là kỉ vật, thổi khúc Biết ơn thầy. Tiếng sáo du dương gợi nhớ bao kỉ niệm. Thầy cô sẽ nhớ mãi những hình ảnh của cậu học trò chăm chỉ, ngoan ngoãn và ít khi cười. Nhớ mái tóc xoăn bồng, rối bù khi ngủ dậy, nhớ những món quà được gói ghém cẩn thận mỗi lần về nhà cậu đem xuống trường. Lúc đó những suy nghĩ về cuộc đời học trò lại hiện lên trong đầu Huy. Đôi khi, những bài học mà các em học được không phải từ bục giảng, mà từ những quan tâm rất đời thường.

Tiếng sáo của Hrang vẫn réo rắt, du dương và Huy hi vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với Hrang và tất cả những cô bé, cậu bé nơi vùng cao này.

                                                                 Tác giả: Nguyễn Thị Hằng Nga

                                        Trường PTDT BT THCS Ngọc Yêu- huyện TMR