TRUYỆN NGẮN: KỈ NIỆM KHÔNG BAO GIỜ QUÊN!

Lượt xem:

Đọc bài viết

KỈ NIỆM KHÔNG BAO GIỜ QUÊN!

 

Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Thế nhưng, bên cạnh phấn trắng, bảng đen để trao cho các em những tri thức màu hồng; vẫn còn đó những nỗi băn khoăn, trăn trở của những người làm nghề dạy học như chúng ta. Nhưng có một câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ tới mọi người đó là một kỉ niệm về một lần được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc đến bây giờ mà có lẽ tôi sẽ không thể nào quên. Là một giáo viên với hơn mười năm đứng trên bục giảng, tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm vui, buồn trong công tác giảng dạy nhưng khiến tôi có nhiều cảm xúc nhất là câu chuyện ở ngôi trường cũ mà cách đây hai năm tôi đã từng công tác.

Cũng như bao lần, sau thời gian nghỉ hè chúng tôi quay trở lại trường để nhận nhiệm vụ cho năm học mới. Sau những lời chào hỏi, sau những câu chuyện vui bên lề chúng tôi bước vào buổi họp. Trái với sự háo hức, vui vẻ lúc đầu, buổi họp kết thúc tôi mang trong mình sự lo lắng và biết bao nhiêu suy nghĩ. Tôi thẫn thờ ngồi im ở ghế, bên tai vẫn vang vẳng tiếng thầy Hiệu trưởng đọc danh sách giáo viên chủ nhiệm các lớp: “cô Nguyễn Thị Thảo lớp 8C”. Với mỗi giáo viên khi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm đó không phải là một việc gì mới mẻ hay chưa từng làm, nhưng với một người không có nhiều kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm như tôi và điều làm tôi lo lắng hơn cả, đó lại là một lớp quậy phá với nhiều học sinh cá biệt và học yếu nhất trường trong năm học trước. Chưa kịp lấy lại tinh thần thì một đồng nghiệp đến bên cạnh tôi với một vẻ mặt đầy ái ngại và hỏi:

– Chị được phân công chủ nhiệm lớp đó sao?

Tôi cảm thấy lo lắng hơn sau câu hỏi đó. Chưa kịp trả lời, tôi lại tiếp tục nghe: “Thật không may cho em trong lớp đó có một em học sinh tinh thần không bình thường suốt ngày quậy phá mà chị đã làm mọi cách nhưng không có tác dụng gì”. Đó là lời khuyến cáo của giáo viên chủ nhiệm cũ. Tôi càng thấy nản hơn.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, trong ngày đầu tiên nhận lớp, sau khi giới thiệu về bản thân mình và thông báo về việc năm nay tôi sẽ chủ nhiệm lớp, thì em Quy lớp phó học tập đã đứng lên và hỏi một câu khiến tôi rất khó trả lời:

– Bị chủ nhiệm lớp này cô có buồn không cô?

Và cả lớp lúc đó cũng ùa lên nói: “Lớp mình năm ngoái đứng cuối trường đấy cô”. Lúc này tôi không biết nói sao, chỉ cười và nói:

– Cô chủ nhiệm lớp nào cũng được vì tất cả đều là học sinh của cô.

Mặc dù đã nói vậy nhưng trong lòng tôi không hề vui và đầy lo lắng. Lớp đứng cuối trường, lớp có nhiều học sinh cá biệt,…bao nhiêu là điều tiêu cực về lớp cứ hiện lên trong đầu tôi, tôi nghĩ chắc mình sẽ chết mất với lũ học trò này. Nhưng ngay sau đó, tôi bình tĩnh đưa mắt nhìn quanh lớp học một lượt trên những khuôn mặt đó, tôi nhận ra rằng đâu phải tất cả là khuôn mặt lì lợm như  những lời bàn tán mà tôi đã nghe, tôi thấy còn có biết bao khuôn mặt ngây thơ đang nhìn tôi và mỉm cười. Tôi trấn tĩnh lại và nghĩ rằng mọi đứa trẻ đều có điểm đáng yêu riêng của nó. Tin chắc vào điều ấy nên tôi đã bắt đầu một năm học mới với một quyết tâm là sẽ đương đầu với mọi khó khăn dù bất kì chuyện gì xảy ra.

Thời gian tiếp đó, trong những giờ sinh hoạt lớp, trong những buổi học tôi hỏi han, trò chuyện với các em để nắm bắt tình tình và hiểu các em nhiều hơn. Một thời gian sau đó, tôi khen ngợi, tuyên dương và phát thưởng cho những học trò tốt và có nhiều tiến bộ, kỉ luật răn đe và có những hình thức xử phạt các em chưa ngoan. Nhưng trong lớp,  có một trường hợp mà tôi không thể dùng những cách trên, đó là Cường (một học sinh đặc biệt), như tất cả các giáo viên khác đều phản ánh là “ không bình thường”. Tôi thật hết cách với Cường vì tuần nào cũng gây ra chuyện, không chuyện này cũng chuyện khác, không vi phạm cái này cũng vi phạm cái kia và luôn để lớp bị trừ điểm thi đua. Tôi thấy mình bất lực, thấy thất bại vì đã thử mọi cách ngọt ngào có, răn đe có nhưng không có cách nào hiệu quả cả. Nó khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, bực bội và khó chịu mỗi khi bước vào lớp. Tôi đã từng nghĩ, hay là cứ coi như không có em trong lớp, không đả động gì đến em nữa. Nhưng rồi, nghĩ lại tôi thấy nếu bỏ mặc em như thế thì coi như tôi đã thất bại với công việc của mình và rồi Cường sẽ ra sao, tôi sẽ không giáo dục được em mà có thể vô tình khiến em ngỗ nghịch, khó bảo hơn. Lúc này tôi đã chợt nghĩ đến câu nói của Rainer Maria Rilke : “Có điều kì diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Và tôi biết rằng “những kẻ khó thương nhất lại là những người cần điều đó nhất”. Vậy là thay vì bỏ mặc, tôi dành sự quan tâm, hỏi han Cường nhiều hơn, mỗi ngày tôi đều dành một ít thời gian để động viên cậu học trò ấy. Đúng là không phụ lòng mình, Cường đã dần thay đổi. Tôi không thể khẳng định rằng em ấy đã trở thành một học trò tốt, một học trò xuất sắc nhưng ít ra em ấy đã biết nghe lời tôi mà không còn quậy phá, nghịch ngợm nữa. Lớp tôi đã có những thành tích nhất định, không còn là một lớp lúc nào cũng đứng cuối trường nữa. Cái cảm giác khi sáng thứ hai lớp được tuyên dương và nhận cờ thi đua đứng nhất toàn trường, nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các em, tôi hạnh phúc và tự hào về các em biết bao nhiêu. Vừa lúc có chị đồng nghiệp đã hỏi tôi:

– Em làm cách nào mà lớp tiến bộ được như vậy?

Thêm vào đó là một câu nói đùa hay cố ý mà tôi không biết: “Chắc em có lợi thế là do có cái mặt hung dữ”. Lúc đó tôi chỉ cười, có thể là chị ấy nói đúng vì tôi khá nghiêm khắc với các em nhưng tôi nghĩ bằng lòng thương yêu, sự gần gũi là “cách chữa trị” tốt nhất đối với một lớp rất nhiều học sinh cá biệt như lớp tôi.

Thời gian trôi qua, tôi cùng vui cùng buồn với lớp, đã gắn bó nhiều hơn với những cô cậu học trò này. Và rồi điều khá bất ngờ khi được nhà trường thông báo tôi không chủ nhiệm lớp nữa vì có sự thay đổi về chuyên môn. Lúc này tôi không biết diễn tả tâm trạng mình như thế nào? Vì thoát khỏi chủ nhiệm đa số các giáo viên đều mừng, và lâu nay tôi cũng như vậy. Nhưng khi nghe thông báo ấy, một lần nữa tôi lại bần thần nhưng khác so với tâm trạng của ngày đầu tiên khi nghe nhận lớp thì bây giờ tôi lại thấy rất buồn. Tôi bước lên lớp nhìn các em vẫn hồn nhiên vui đùa, chúng nó không hề biết gì. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên, tôi vừa lo vừa buồn, không biết khi biết tôi không còn chủ nhiệm nữa chúng nó sẽ ra sao? Cái cảm giác ấy sao giống như là mình đang bỏ những đứa con của mình bơ vơ vậy. Nhưng rồi việc gì đến phải đến. Tôi quyết định nói với các em về thông tin ấy. Vào ngày thứ bảy cuối tuần, buổi sinh hoạt lớp cuối cùng của tôi với lớp. Tôi đã chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo để làm quà chia tay với các em. Nhưng khi vừa bước vào lớp, tôi thấy mắt em nào cũng đỏ hoe, có em gục đầu xuống bàn, có em quay lưng lại. Tôi liền hỏi:

– Lớp có chuyện gì vậy?

Cả lớp đã ồ lên:

–  Cô đừng đi! Chúng em không muốn thay đổi giáo viên chủ nhiệm, chúng em muốn cô chủ nhiệm lớp thôi!

Và rồi những tiếng khóc ngày một to hơn “Cô ơi! Cô ơi!…” Tôi chết lặng và lúc đó tôi cũng không thể ngăn được cảm xúc của mình, những giọt nước mắt bắt đầu rơi và lăn dài trên má. Nhưng không để không khí thêm căng thẳng và buồn hơn, tôi lấy tay lau vội những giọt nước mắt của mình và nói:

– Không sao đâu! Dù không còn chủ nhiệm nữa nhưng cô vẫn luôn yêu thương các em mà. Cô khác sẽ thay cô và cũng sẽ yêu thương các em như vậy. Biết đâu lúc đó, các em lại quên cô nhanh ấy chứ!

Tôi đem bánh kẹo ra nhưng không ai thèm đả động gì tới, cứ òa lên khóc. Tôi nhớ lúc đó, em Y Phanh – một học sinh dân tộc thiểu số nhưng học rất giỏi và là một học sinh gương mẫu của lớp liền đứng dậy nói:

– Thưa cô! Chúng em đã trải qua rất nhiều thầy, cô giáo chủ nhiệm, nhưng chưa có ai mà chúng em quý mến như cô. Nhờ có cô mà chúng em đa thay đổi và trưởng thành lên rất nhiều. Các bạn không còn quậy phá, nghịch ngợm nữa! Lớp cũng tiến bộ hơn, có thể được đứng nhất trường. Chúng em, không muốn phải chia tay cô!

Lúc đó, thật sự không biết phải làm sao, tôi chỉ biết nói:

– Do sự phân công của nhà trường và do sức khỏe của cô không được tốt nên cô không thể đảm nhiệm nhiều công việc được.

Tôi đã đi đến từng bàn với các em, khi đi qua bàn em lớp phó học tập đang gục mặt xuống bàn và tôi đã nghe rất rõ lời em nói trong tiếng khóc: “Khi nào khỏe cô lại tiếp tục chủ nhiệm lớp nghen cô”. Tôi đã đến một em học sinh khá trầm tính mà tôi thường gọi là “ông cụ non” – lớp trưởng lớp của lớp. Tôi nói:“Hoàng ghét cô lắm sao mà không quay lại chào cô”, thật bất ngờ và xúc động khi thấy em ấy quay lại với khuôn mặt đầy nước mắt. Em không hề nói gì nhưng chỉ như thế tôi hiểu được tình cảm mà em dành cho mình.

Đã hơn năm giờ chiều, trời đã bắt đầu tối nhưng các em không chịu về cũng không một ai đụng đến bánh kẹo. Tôi thật sự lo lắm. Các lớp khác tò mò chạy qua nhìn cứ nghĩ là tôi la mắng, đánh lớp hay sao mà các bạn khóc nhiều thế. Tôi dặn dò và động viên các em dù không có mình thì các em cũng phải thực hiện tốt như bây giờ. Buổi học hôm đó kết thúc, tôi bước xuống phòng hội đồng trong tâm trạng buồn bã , có chị đã nói với tôi: “Được học trò yêu quý đó là điều hạnh phúc đó em”  và thật sự lúc này tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất vì được sự yêu quý của học trò.  Đó là lí do vì sao tôi chọn nghề dạy học.

“Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý…” từ xưa đến nay, dù ít tuổi hay cao tuối, dù học vị cao hay chỉ là thầy đồ dạy chữ đều được mọi người kính trọng, yêu quý . Thầy cô giáo như những“cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Tôi chọn nghề dạy học vì tôi mong muốn hiểu được mong ước của các em ẩn sau những gương mặt thơ ngây. Vì tôi yêu thích và muốn truyền đạt cho các em những kiến thức của mình. Tôi chọn nghề này vì tôi muốn chia sẻ vốn sống cùng các em, vì có thể chứng kiến được các em vui đùa, trưởng thành, và thương yêu nhau. Và điều đặc biệt hơn cả tôi chọn nghề này vì có những học sinh như lớp 8C yêu thương của tôi. Bây giờ thì tôi càng cảm nhận rõ câu nói: “Hãy biết cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương”, khi bạn cho đi một thì bạn nhận lại gấp trăm ngàn lần yêu thương. Đó cũng là kỉ niệm mãi mãi không bao giờ quên trong nghề dạy học của tôi.

 

*********************************************

 

 

Nguyễn Thị Thảo

TRƯỜNG THCS CHU VĂN AN- TP Kon Tum