Từ nghiên cứu tấm gương đạo đức cao cả của Bác, đúc rút kinh nghiệm trong nghề nghiệp và cuộc sống

Lượt xem:

Đọc bài viết

Việc học tập và làm theo tấm gương của Bác là cơ hội để rèn luyện bản thân, nâng cao chất lượng giảng dạy, sống và làm việc nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, cần, kiệm, liên chính, chí công, vô tư.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo, để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt trong xã hội.

Qua tìm hiểu, bản thân đúc rút đạo đức cao cả của Bác thể hiện các nội dung sau

Nội dung 1. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục đích cách mạng.
Cuộc đời của Bác là một chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ. Vượt qua bao khó khăn,  kiên trì mục đích của cuộc sống, bảo vệ chân lý, giữ vững quan điểm, khí phách; bình tĩnh, chủ động vượt qua mọi thách thức.

Bản thân học tập ở Bác:

1.1. Có lập trường tư tưởng kiên định, thực hiện tốt chủ trương Nhà nước

Trước hết xác định mục đích cuộc sống, có ý chí, lập trường tư tưởng kiên định độc lập dân tộc và CNXH. Luôn gương mẫu chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện Cuộc vận động “Hai không” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Không vi phạm đạo đức của nhà giáo, phấn đấu trở thành một tấm gương tự học và sáng tạo để các em học sinh noi theo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”….

1.2. Đạt được mục đích công việc: Giảng dạy đạt hiệu quả

Luôn quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Lấy trình độ kiến thức đặt lên hằng đầu, coi đây là tiêu chí phấn đấu và hoàn thiện mình. Trong công tác soạn giảng, thiết kế bài giảng phù hợp với từng bài, từng đối tượng học sinh.

Bên cạnh việc tự học tập, trau dồi thêm kiến thức, còn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tạo nề nếp dạy học, học hỏi từ các đồng nghiệp, các thầy, cô đi trước để có thêm kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy, cố gắng nghiên cứu cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy. Thường xuyên dự giờ, thăm lớp, tiếp thu ý kiến/góp ý đối với đồng nghiệp để có những tiết dạy hiệu quả.

Bản thân đã có nhiều biện pháp  tích cực nhằm nâng cao chất lượng bộ môn  cho học sinh. Xin nêu vài trường hợp cụ thể: Chú trọng việc gợi ý, hướng dẫn tự học ở sách giáo khoa và thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh, tránh kiểu học vẹt. Dạy học bằng nhiều phương pháp, để học sinh tìm tòi, phân tích, trình bày, báo cáo và phản biện – đó là cách giúp cho học sinh làm chủ kiến thức của mình, chủ động trong việc tiếp thu kiến thức và thấy được giá trị của việc tự học, tự tìm kiếm thông tin – học như vậy học sinh rất thích thú.

Bên cạnh đó,  ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để tạo sự hứng thú, phát huy tính tích cực của học sinh, nâng hiệu quả của tiết dạy.

Nội dung 2. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nguyện làm “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Bản thân nhận thấy: Dù có vất vả, khó khăn đến đâu cũng phải làm những điều để có lợi nhất cho học sinh. Chất lượng học tập của học sinh bắt đầu từ chất lượng giáo viên. Và để lấy lòng tin của phụ huynh vào nhà trường không gì khác ngoài chất lượng học tập của học sinh.

Bản thân thường xuyên quan tâm, gần gũi, yêu thương, tận tình chỉ bảo các em học sinh khi các em chưa hiểu bài hoặc có những việc làm chưa đúng, kịp thời động viên khuyến khích các em có những cố gắng, tiến bộ trong rèn luyện.

Đối với đồng nghiệp :Dự giờ lên lớp góp ý chân thành và cởi mở, xây dựng và giữ gìn tình đoàn kết trong nhà trường, tổ bộ môn.

 

Nội dung 3. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường.
Người đã đề ra tư cách người cách mạng cho cán bộ, đảng viên phấn đấu và tự mình gương mẫu thực hiện.

Học tập theo Bác, bản thân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong cuộc sống, bản thân tôi rất tâm đắc với đức tính cần kiệm của Bác.

– Tiết kiệm thời gian (thực hiện đúng theo kế hoạch của Nhà trường, không đi trễ, không quên tiết, bỏ tiết, đầu tư chuyên môn qua những tiết dạy giúp GV tiết kiệm thời gian trên lớp, học sinh tiết kiệm thời gian để học bài và chuẩn bị bài…);

– Tiết kiệm chi tiêu (tiết kiệm điện nước tại trường: khi dạy ở những tiết cuối buổi học, nhắc nhở học sinh tắt điện quạt khi ra về, ra khỏi phòng tắt điện tắt quạt, đóng góp ý kiến về tiết kiệm kinh phí trong các hoạt động Công Đoàn và Tổ chuyên môn). Tiết kiệm chi tiêu càng có ý nghĩa hơn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Ngoài việc thực hiện tiết kiệm của bản thân, tôi luôn nhắc nhở, giáo dục học sinh về ý thức tiết kiệm.

Bản thân nhận thấy việc tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống.

 

Nội dung 4. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người.

Phát huy bản chất của người phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong gia đình bản thân phấn đấu là người con, người vợ thảo hiền, vun đắp gia đình hạnh phúc. Bản thân luôn là tấm gương mẫu mực để con cái học hỏi, noi theo và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chồng con. Đối với khu dân cư, luôn có thái độ thân ái, hòa nhã, vận động bà con xây dựng nếp sống mới, xây dựng đời sống văn hóa, được mọi người quý trọng, gần gũi, chia sẻ.

Bản thân tham gia công tác Công Đoàn nhà trường, sẵn sàng chia sẻ đồng nghiệp khi ốm đau, sinh nở.

Như vậy, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác  là cơ hội để rèn luyện bản thân, nâng cao chất lượng giảng dạy, sống và làm việc nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, cần, kiệm, liên chính, chí công, vô tư.

Học tập và làm theo Bác là để chúng ta tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho bản thân, giúp mọi người sống tốt thêm hơn”. Qua học tập và làm theo lời Bác, tôi nhận thấy Bác là một tấm gương sáng mà bản thân cần phải cố gắng học tập và rèn luyện để ngày càng hoàn thiện hơn về nhân cách, đạo đức của mình, cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Được Chi Bộ phân công thực hiện tìm hiểu, và noi gương đạo đức Bác trong tháng, bản thân tôi nhận thấy càng tìm hiểu càng thấy ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống và sẽ thực hiện công việc này  trong thời gian lâu dài.

Phan Thị Huỳnh Như- Tổ trưởng chuyên môn Địa Lý, THPT Lê Lợi, Kon Tum