Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020
Lượt xem:
Qua 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. | ||
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, đồng thời lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng Đề án, trình HĐND tỉnh phê duyệt. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai trong toàn ngành; cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thành phố đã có chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai cho từng địa bàn; các trường học đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai tại đơn vị. Công tác tuyên truyền Nghị quyết 05 được đẩy mạnh, thông qua nhiều hình thức như đăng, tải trên các phương tiên thông tin đại chúng của tỉnh, Website của Ngành Giáo dục và Đào tạo; thông qua Hội nghị và sinh hoạt của tổ chức Đảng các cấp; đưa vào các cuộc họp ở các thôn làng và chính quyền địa phương cơ sở; các Hội nghị của Ngành; các cuộc họp hội đồng giáo dục, sinh hoạt lớp và sinh hoạt dưới cờ của các trường học;… Nhờ vậy, nội dung của Nghị quyết 05 được phổ biến rộng rãi, có những tác động tích cực đối với nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và cộng đồng các DTTS trên địa bàn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh.
Các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh DTTS.Các địa phương đã sắp xếp lại hệ thống trường, lớp phù hợp tình hình thực tế, lớp nhô trường PTDTNT Sa Thầy (xã Mô Rai), lớp nhô trường PTDTNT Kon Lông (xã Hiếu),… để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp, thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Công tác huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quan tâm với tổng kinh phí khoảng 213 tỷ 524 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước khoảng 203 tỷ 428 triệu đồng, nguồn huy động xã hội hóa khoảng 10 tỷ 96 triệu đồng.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS được chú trọng.Các đơn vị, địa phương linh hoạt trong việc tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học sinh DTTS. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục; học tiếng DTTS tại chỗ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên công tác tại các trường vùng DTTS được đẩy mạnh.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường quản lý công tác dạy học; tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực; triển khai dạy 2 buổi/ngày, dạy phụ đạo đối với học sinh DTTS; tổ chức triển khai Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS; tích cực thực hiện giải pháp đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT.
Có được kết quả trên là do ngành Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thành phố đã tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận, hỗ trợ của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội… trong việc tổ chức thực hiện. Qua đó, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS có chuyển biến tích cực, một số nội dung như tỷ lệ trẻ DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên đạt mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT năm 2017 đạt tỷ lệ cao 91,42%, tăng 1,55 so với năm 2016.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, đó là: Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học các trường vùng DTTS chưa đáp ứng nhu cầu dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều trường, điểm trường thiếu nhà vệ sinh, nhiều trường thiếu nước sạch để phục vụ cho cán bộ, giáo viên và học sinh; nhiều trường PTDTBT còn thiếu phòng ở, nhà bếp, phòng ăn và các trang thiết bị phục vụ ăn, ở cho học sinh bán trú. Nhiều địa phương thiếu giáo viên bậc mầm non, tiểu học để thực hiện dạy 2 buổi/ngày; một số giáo viên hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm; một số giáo viên chưa biết tiếng DTTS tại chỗ, ít am hiểu văn hóa của địa phương, nên khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục học sinh DTTS…..
Để việc thực hiện Nghị quyết 05 trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị, địa phương có liên quan tập trung vào một số nội dung: Tranh thủ sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương; vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng… tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các trường triển khai có hiệu quả việc vận động học sinh học sinh DTTS đi học, nâng cao tỷ lệ chuyên cần.
Rà soát cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ dạy học, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, trên cơ sở đó tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đến năm 2020, nhất là phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhà vệ sinh, nước sạch phục vụ cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong các trường học; …
Thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học trong năm học 2017-2018; cân đối, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên các bậc, cấp học trong những năm học tiếp theo; triển khai có hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với trường mầm non, tiểu học, các trường PTDTNT, PTDTBT; triển khai có hiệu quả chủ trương dạy phụ đạo đối với học sinh DTTS;…
|