TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nhằm chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ mẫu giáo nói chung, trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng vào học lớp 1 có kết quả, tạo tiền đề vững chắc cho cấp tiểu học và các cấp học phổ thông, ngày 30/3/2017 Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số 380 về việc tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, Sở GDĐT yêu cầu phòng GDĐT các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1.Công tác tuyên truyền; tham mưu, phối hợp; huy động trẻ em ra lớp

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ của trẻ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

b) Tăng cường công tác tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền; phối hợp chặt chẽ các đoàn thể địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực hợp pháp nhằm tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em DTTS; vận động phụ huynh huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi mầm non ra lớp, thực hiện tốt việc duy trì sĩ số, hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ nghỉ học, đi học không chuyên cần.

2. Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

a) Chỉ đạo rà soát việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non theo bộ tiêu chí (có phụ lục đính kèm).

b) Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt trong lớp mẫu giáo, giáo viên cần phân loại khả năng tiếng Việt của từng đối tượng trẻ để có phương pháp, nội dung tăng cường tiếng Việt phù hợp, thiết thực. Lồng ghép việc tăng cường tiếng Việt vào các hoạt động giáo dục trong ngày.

c) Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non theo độ tuổi. Trong các yêu cầu về phát triển đối với trẻ, đặc biệt trẻ 5-6 tuổi, cần dành nhiều thời gian để hình thành và phát triển ở trẻ những kỹ năng nghe, nói, tiền đọc, tiền viết, nhận dạng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt; tập tô, tập đồ các nét chữ, sao chép một số kí hiệu, chữ cái; cách cầm bút, để vở, tư thế ngồi viết…. thông qua các hoạt động sinh hoạt, học tập, lao động, qua các buổi tham quan. Không dạy trẻ trước chương trình lớp 1.

d) Quan tâm, đầu tư đủ nguồn tài liệu, học liệu cho giáo viên và trẻ; tăng cường việc sử dụng đồ dùng trực quan thông qua những vật thật, tranh ảnh, băng hình, phim, video…. ; sử dụng hiệu quả phương tiện hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đảm bảo chất lượng về các kỹ năng này bền vững.

đ) Cuối năm học, đối với các trường mầm non và tiểu học trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn phải thực hiện nghiêm túc nội dung nghiệm thu, bàn giao trẻ 5-6 tuổi. Những trẻ chưa đạt yêu cầu, trường mầm non có trách nhiệm dạy lại trong hè trước khi bàn giao cho trường tiểu học. Đồng thời giữa hai trường (hoặc cụm trường) cần phối hợp tổ chức chuyên đề về nâng cao năng lực quản lý sự thay đổi để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên lớp Một.

3. Công tác bồi dưỡng và triển khai thực hiện tăng cường tiếng Việt

a) Chuẩn bị tốt các điều kiện: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu để tổ chức tập huấn vào tháng 7/2017 cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, đặc biệt đối với những giáo viên dạy lớp ghép nhiều dân tộc và nhiều độ tuổi, giáo viên dạy lớp có nhiều trẻ em DTTS.

b) Triển khai thực hiện Tập nói tiếng Việt cho trẻ từ 3-5 tuổi theo Tài liệu Tập nói tiếng Việt của tỉnh. Tùy từng đối tượng, giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp trong tổ chức hoạt động giáo dục Tập nói tiếng Việt.

c) Giáo viên chưa biết hoặc biết ít tiếng DTTS nơi công tác phải tự học, tự rèn luyện (học thông qua học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, qua cộng đồng…). Các trường mầm non cần đưa nội dung này vào một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên và cán bộ quản lý hàng năm. Đồng thời, yêu cầu giáo viên người DTTS, trong quá trình dạy học và các hoạt động giáo dục tại trường, không quá lạm dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ.

4. Công tác xã hội hóa

a) Phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xây dựng các Câu lạc bộ đọc sách tại thôn, làng; giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức các trò chơi học tập; thi kể chuyện; tham gia ngày hội nói tiếng Việt; giao lưu tiếng Việt của các em; hướng dẫn cha mẹ trẻ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà và tăng cường giao tiếp với trẻ. Tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học. Phối hợp với hội cha mẹ, già làng sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian (truyện, thơ, câu đố, bài hát…) của người DTTS để sử dụng trong công tác giáo dục tại lớp mẫu giáo; khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động Tập nói tiếng Việt.

b) Ở những nơi có điều kiện, các trường mầm non cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hội cha mẹ học sinh huy động được “Nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ” tại địa phương để hỗ trợ trong quá trình thực hiện tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người DTTS.

5. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá

a) Thường xuyên kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

b) Tổng hợp, đánh giá kết quả trong báo cáo nhiệm vụ năm học vào cuối tháng 5/2017.

Chi tiết xem trong tệp đính kèm./.