Tổng kết Hội thi đồ dùng, đồ chơi mầm non tự làm cấp tỉnh năm học 2015-2016

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sáng ngày 25 tháng 3 năm 2016, tại Hội trường Đa năng trường THPT Kon Tum. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ tổng kết Hội thi đồ dùng, đồ chơi mầm non tự lầm cấp tỉnh năm học 2015-2016.
I. MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ HỘI THI
– Hội thi được tổ chức từ ngày 21/03/2016 đến ngày 25/03/2016.
– Số lượng bộ đồ dùng, đồ chơi tham gia hội thi: 78. Trong đó: trường MNTHSP 7, Kon Tum 8, Đăk Hà 10, Đăk Tô 10, Ngọc Hồi 7, Đăk Glei 7, Sa Thầy 15, Kon Rẫy 5, Kon Plong 5, IaH’drai 3 và Tu Mơ Rông 1.
– Về hồ sơ tham gia dự thi: Hầu hết các đơn vị Phòng GD&ĐT và trường MNTHSP cơ bản đã thực hiện đầy đủ theo yêu cầu về nội dung bộ hồ sơ và thời gian nộp hồ sơ về Sở GD&ĐT.
II. ĐÁNH GIÁ HỘI THI
1. Đối với bản thuyết minh
+ Ưu điểm:
Đa số các bản thuyết minh được trình bày đúng theo cấu trúc quy định, đã nêu rõ tên đồ dùng, tên tác giả, thời gian thực hiện và quy trình làm bộ đồ dùng, đồng thời cũng nêu rõ cách sử dụng và phạm vi sử dụng trong các hoạt động, chủ đề nào. Hầu hết các bản thuyết minh đều có giáo án minh chứng tính hiệu quả của việc sử dụng đồ dùng, đồ chơi tự làm, có đối chứng so sánh với khi chưa sử dụng đồ dùng, đồ chơi tự làm trong thực tế; đã khẳng định được tính hiệu quả, có tác dụng nâng cao chất lượng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ.
+ Tồn tại:
Một số bản thuyết minh chưa xác định rõ phạm vi sử dụng của bộ đồ dùng; một số bản thuyết minh chưa nêu rõ các yếu tố kỹ thuật trong quy trình làm; một số bản thuyết minh chưa phân tích và rút ra kết luận về sự cần thiết, tính hiệu quả của bộ đồ dùng tự làm; nội dung một số ít bản thuyết minh chưa đảm bảo theo quy định (chưa đầy đủ theo 04 nội dung: 1.Xuất xứ, 2. Quy trình làm, 3. Cách sử dụng và phạm vi sử dụng, 4. Giải thích tính hiệu quả và tính mới: 4.1.Nêu rõ cách sử dụng đồ dùng, đồ chơi vào các hoạt động cụ thể, có giáo án minh chứng tính hiệu quả của việc sử dụng đồ dùng, đồ chơi tự làm; 4.2. Kiểm nghiệm thực tế, đối chứng so sánh với khi chưa sử dụng đồ dùng, đồ chơi. Phân tích và rút ra kết luận: Khẳng định giải quyết được một vấn đề cụ thể và cần thiết, có tác dụng nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục; khẳng định tính mới của đồ dùng, đồ chơi tự làm).
2. Đối với đồ dùng, đồ chơi
2.1.Tính kinh tế
+ Ưu điểm:
Nhiều bộ đồ dùng sử dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, vật liệu phế thải, dễ kiếm, dễ sử dụng, có thể sử dụng trong nhiều năm học, đảm bảo được tính kinh tế, ít tốn kém.
+ Tồn tại:
Một số ít loại đồ dùng sử dụng vật liệu như sắt, phom, ván ép,… tốn kém chi phí làm nên bộ đồ dùng, đồ chơi. Một số loại đồ dùng, đồ chơi không sử dụng được nhiều năm (làm bằng giấy, áo mưa – Kon Rẫy, bông gòn – Sa Thầy)
2.2. Tính sáng tạo, tính mới
+ Ưu điểm:
Các bộ đồ dùng đã thể hiện sự sáng tạo của giáo viên trong cách làm, trẻ được trực tiếp hoạt động thỏa thích (khu vui chơi Đồ rê mí của cô Nguyễn Thị Thủy, Y Chi, Vui chơi cùng bé của cô Lê Nguyễn Hồng Nhung, Trần Thị Thu huyện Kon Plong: Sử dụng khuy lon bia, vỏ hộp sữa, lốp xe để làm các đồ dùng, đồ chơi xinh xắn cho bé, tận dụng từ vỏ các chai nước ngọt để làm các họa tiết trang trí; dùng ống tre, nứa tạo hình các con vật – Bộ đồ dùng tổng hợp của cô Phan Thị Cẩm Vân TP Kon Tum; các phương tiện giao thông được làm từ tre, nứa của cô Hồ Thị Mỹ Ánh huyện Đăk Hà; bộ Hương sắc tây nguyên của cô Y Đông – Đăk Glei … )
+ Tồn tại:
Một số bộ đồ dùng còn mua các chi tiết phụ bằng nhựa, xốp để trang trí, làm giảm giá trị của bộ đồ dùng; nhiều đồ dùng làm theo mẫu cũ, chưa có tính mới.
2.3. Tính khoa học, thẩm mỹ
+ Ưu điểm:
Hầu hết các bộ đồ dùng đều đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ, có thể nhân rộng và áp dụng cho nhiều đối tượng, kích thước cân đối, hài hòa về màu sắc, sử dụng được nhiều năm (Bộ thế giới hoạt hình của bé của cô Tiêu Thị Minh Loan); sử dụng những phế liệu có màu sắc tự nhiên để tạo nên bộ đồ dùng, không sử dụng sơn độc hại, tốn kém (Vườn chơi của bé của cô Nguyễn Thị Hằng huyện Đăk Hà).
+ Tồn tại:
Trong một số bộ đồ dùng, các chi tiết có kích thước không cân đối (gà, lợn, cua có kích thước lớn hơn con người; voi nhỏ hơn thỏ,… (Bộ thê giới động vật của cô Y Lệ Thu, bộ đồ dùng tổng hợp của cô Lê Thị Hoài Thương, bộ đồ dùng tổng hợp của cô Cao Thị Khang – Đăk Glei); người cao hơn nhà, cao hơn cầu treo (Bộ đồ dùng tổng hợp của cô Lê Thị Vân Trang, Lê Thị Triều Mến huyện Sa Thầy) kích thước chưa phù hợp với trẻ (Bộ đồ dùng phát triển vận động nhóm trẻ của cô Nguyễn Thị Hoa – Đăk Tô).
2.4. Tính hiệu quả
+ Ưu điểm:
Nhiều bộ đồ dùng có tính hiệu quả cao, trẻ sử dụng được ở nhiều hoạt động chơi và học trong thời gian ở trường, lớp mầm non, có tác dụng thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ.
+ Tồn tại:
Một số loại đồ dùng tính hiệu quả chưa cao, phạm vi sử dụng ít hoặc khó sử dụng trong thực tế lớp học. Một số bộ đồ dùng mang nặng tính chất trưng bày, trẻ ít được hoạt động, nhất là các mô hình.

3. Sự chuẩn bị của GV
Giáo viên đã có sự nỗ lực trong việc tìm ý tưởng; miệt mài, chịu khó để làm nên bộ đồ dùng; nhiệt tình, chu đáo, làm tốt công tác chuẩn bị, tuân thủ mọi quy định để tham gia hội thi.
III. KẾT QUẢ HỘI THI
Kết quả đạt 78/78 bộ đồ dùng, đồ chơi.
Số lượng bộ đồ dùng, đồ chơi đạt loại Tốt của các đơn vị cụ thể như sau:
Kon Tum: 5/8 Đăk Tô: 5/10 Đăk Hà: 3/10
MNTHSP: 3/7 Kon Plong: 2/5 Ngọc Hồi: 2/7
Sa Thầy: 1/15 Đăk Glei: 1/7
Tổng số có 22 bộ đồ dùng, đồ chơi đạt loại Tốt.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trong hội thi, đã thể hiện sự quan tâm của Phòng GD&ĐT huyện, thành phố, của các cán bộ quản lý trường mầm non, sự cố gắng, đầu tư thời gian, công sức của các giáo viên trong việc tạo ra những bộ đồ dùng, đồ chơi tự làm tham gia hội thi. Nhiều đơn vị đã có sự nỗ lực vượt bậc so với các năm trước, tuyển chọn, đầu tư các bộ đồ dùng, đồ chơi có chất lượng tham gia hội thi như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô, huyện Đăk Hà, huyện Kon Plong.
Trong thời gian tổ chức hội thi, đã có đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên mầm non của các huyện, thành phố và 80 em sinh viên khoa mầm non trường CĐSP Kon Tum về tham quan học tập về các bộ đồ dùng, đồ chơi tự làm. Đây là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn cho các cô giáo về tham dự Hội thi.
Hội thi lần này cũng đã chọn được 03 bộ đồ dùng, đồ chơi từ huyện Đăk Tô, Đăk Hà và Kon Plong sẽ đại diện cho giáo dục mầm non tỉnh Kon Tum tham gia triển lãm toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 6 năm 2016 tại Khánh Hòa.