TRƯỜNG THPT DUY TÂN ĐẾN VỚI HỌC SINH VÙNG LŨ GÒ BỒI – QUÊ HƯƠNG XUÂN DIỆU
Lượt xem:
Sau 5 trận lụt do thời tiết khắc nghiệt, cả dải đất miền Trung bị thiên tai tàn phá nặng nề. Nhưng nặng nhất vẫn là miền đất võ Bình Định giàu truyền thống. Nhiều con đường bị lũ cày nát, nhiều ngôi nhà bị nước cuốn trôi. Phận người mỏng manh, lem luốc. Trẻ em, những tâm hồn tinh khôi cần lắm cho tương lai, đã có biết hoàn cảnh không còn sách vở đến trường. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn. Sức khỏe bị đe dọa.
Trước bộn bề khó khăn, tất cả các cơ quan, tổ chức, ban ngành của tỉnh Bình Định nói riêng, cả nước nói chung cùng chung tay động viên, chia sẻ cả vật chất, lẫn tinh thần, nhằm giúp bà con gượng dậy sau những nhọc nhằn của cảnh màn trời chiếu đất. Đó là đạo lí, là nghĩa tình biết đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn.
Tuy là một ngôi trường nhỏ, nhiều thứ còn khiêm tốn ở một tỉnh miền núi xa xuôi, nơi cực Bắc Tây Nguyên, thế nhưng, trước những thông tin về sự thiệt hại quá lớn của đồng bào mình, mà sẽ rất khó bù đắp lại được trong ngày một, ngày hai, Trường THPT Duy Tân- Kon Tum ngay trong buổi sáng chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng Lê Đắc Tường đã phát lời kêu gọi những tấm lòng thơm thảo từ đội ngũ thầy giáo, cô giáo, học sinh cùng chung tay góp phần “ngăn dòng bỏ học” cho các em học sinh vùng rốn lũ của Trường THPT Tuy Phước Số 3- xã Phước Hòa- huyện Tuy Phước- tỉnh Bình Định. Sau gần một tuần thầy trò vun vén, trường đã quyên góp được: 1000 tập vở, 530 cuốn sách giáo khoa, 400 cây bút và 12,000,000 đồng để chuyển tới các em, những mong an ủi phần nào cho những dấu chân non trẻ được vui bước đến trường.
Chuyến xe hàng, với hành trình gần 5 giờ xuôi đường 19 đã kết nối vào quốc lộ 1. Từ đây, về tới điểm trường chừng 20 cây số, gập ghềnh. Có đi trên con đường từ Thị xã An Nhơn về tới vạn Gò Bồi, quê hương của nhà thơ Xuân Diệu mới thấy rằng, vẫn còn đó những xóm làng tan hoang, những mảnh vườn xơ xác, rau xanh chưa thể lên được, đồng ruộng của một số thôn, xã vẫn còn ngập ngụa nước. Cánh đồng trước cổng trường Tuy Phước Số 3, nước vẫn mênh mông. Tuy vậy, vẫn hiện hữu bóng người đang lặng lẽ, lom khom, chăm bẵm từng nhát cuốc, thoăn thoắt dọn bờ, kéo đất chuẩn bị cho một vụ mùa đông xuân muộn màng, mà nếu không có trận lũ này, đồng ruộng giờ đã mươn mướt xanh. Vài ba nhóm học sinh đến trường bì bõm lội qua tràn nước để kịp vào lớp ôn tập, chuẩn bị cho kì thi học kì, có lẽ lòng còn trĩu nặng, ngổn ngang.
Trường THPT số 3 Tuy Phước sau mùa lũ
Đón nhận chuyến hàng muộn về, cô giáo Dương Thị Bích Liên, hiệu trưởng nhà trường mừng vui khôn xiết. Cô tâm sự: trận lũ lịch sử đã nhấn ngồi trường chìm sâu trong lũ, trang thiết bị hư hại nhiều; chương trình giảng dạ,y học tập bị gián đoạn gần cả tháng, đặc biệt nhiều gia đình điều kiện kinh tế rơi vào khó khăn; nhà trường lo nhất là các em học sinh sẽ bỏ học sau lũ. Ánh mắt cô ngấn ngấn nhìn các em học sinh gốc rạ quê nghèo của mình. Ngoài kia cánh đồng nước vẫn mệnh mông. Cô chân tình gửi lời cảm ơn thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Duy Tân đã kịp thời giúp nhà trường vượt qua khó khăn.
Những bộ sách giáo khoa, những tập vở, hộp bút được trao tặng cho các em. Nhận những món quà, dù còn bé nhỏ từ tấm lòng của thầy cô, cha mẹ, học sinh nơi miền xa gửi về, trong thẳm sâu của những ánh mắt long lanh của các em nơi miền quê nghèo, thấy chất chứa biết bao nghị lực, mơ ước vươn tới; 40 xuất quà bằng hiện kim, trị giá mỗi xuất 300,000 đồng, chia sẻ cho 40 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có lẽ ít nhiều đã thắp lên trong các em ngọn lửa niềm tin và khát khao giữa mùa đông gió bấc run lạnh.
Thiết nghĩ rằng, với những tấm lòng đến với các em vùng lũ hôm nay, sẽ vươn lên vững chãi trên đất này những thân cây chắc chắn cho Phước Hòa mai sau. Thế vậy, rời miệt quê Gò Bồi, trở lại Tây Nguyên, nghe phơ phất trong mưa phùn, gió rét ngọn gió đông thổi lại ánh xuân về.
Tấn Dũng (Trường THPT Duy Tân)