Chuyến thăm và làm việc với Sở Giáo dục và thể thao bốn tỉnh Nam Lào của Đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tháng tư, chúng tôi có được 04 ngày lên đường thăm và làm việc và chúc tết Sở Giáo dục và Thể thao 4 tỉnh Nam Lào là Attapư, Sêkông, Salavan và Chămpasắc.

Ngày 06/4/2017 chúng tôi lên đường. Tỉnh đầu tiên đoàn đến là Sê Kông. Đây là một tỉnh có diện tích tự nhiên 7.665 km2, mật độ dân số 12 người/km2, phần lớn tỉnh nằm trên bình nguyên Boloven; khí hậu tương đối nóng trong mùa này. Dân số là 111 nghìn người (2016), là một trong những tỉnh có dân số ít nhất Lào.

sekong

Buổi làm việc Đoàn Sở GDĐT tỉnh Kon Tum và Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Sê Kông

          Trao đổi giữa hai đoàn gặp nhau vào buổi chiều. Ông Khăm Kẹo, Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao ôm chặt từng người trong đoàn khi gặp mặt, làm cho không khí cởi mở, thân mật hơn dù cho bên ngoài trời vẫn khô hanh khoảng 380C. Đoàn đã chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định sự phối hợp hiệu quả giáo dục giữa các tỉnh Nam Lào với tỉnh Kon Tum. Đến tối cả đoàn dự cơm thân mật có cả anh Phương chủ tịch Hội người Việt tại Sê Kông. Buổi chuyện trò còn chưa dứt khi cả đoàn muốn nán lại, nhưng ngày mai 6h xuất phát cho chuyến đi Salavan.

Dọc hai bên đường đến Salavan là những cánh đồng rộng. Đồng bằng Salavan có nét gì đó rất gần gũi với đồng bằng Việt Nam. Phía sau cánh đồng nhấp nhô rặng núi xa xa xen nhiều loại cây rừng nguyên sinh với gõ, cẩm lai, trắc và đặc biệt là bằng lăng. Dưới tán rừng, sa nhân, nhân sâm, quế… mọc ken dày. Lào đất rộng, rừng nhiều, dân thưa, có lẽ cũng vì vậy nên người dân không phải cạnh tranh, khai thác các vật phẩm ban tặng từ thiên nhiên. Có lẽ vì thế cũng góp phần làm nên một phần lối sống thong dong, hiền hòa của con người nơi đây.

Nhà sàn của người Lào ở đây có nét giống nhà rông của người Ba Na, mái cong nhưng không cao vót nhọn. Rượu cần của người Lào nấu bằng sắn, thơm và ngọt không kém loại rượu nấu bằng gạo tẻ ở Kon Tum. Nếp sống của người Lào cứ chậm chậm trôi, thong thả như tiếng đàn vậy, không việc gì phải gấp gáp, không việc gì phải thức khuya dậy sớm, cứ ngủ cho đẫy giấc. Tuy nhiên khi đã đặt lịch làm việc với Sở giáo dục bạn lúc 9h30 thì không thể trễ hẹn được. Vì bạn rất nghiêm túc trong công việc. Cả đoàn phải khẩn trương dù trước đó đã chuẩn bị đầy đủ và tươm tất. Đón chúng tôi là Giám đốc Sỉ thi Thả mon Sắc với nụ cười thường trực trên môi. Căn phòng được bố trí sáng sủa và đẹp đẽ. Máy điều hòa làm mát lạnh cả căn phòng.

salavan

 Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn Sở GDĐT tỉnh Kon Tum và Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Salavan

          Chúng tôi càng hạnh phúc hơn khi được từng thành viên của Sở Giáo dục và Thể thao Salavan buộc chỉ vào cổ tay và té nước chúc mừng chúng tôi nhận được phước báu theo phong tục người Lào nhân dịp tết cổ truyền. Chia tay Salavan, chúng tôi tiếp tục lên đường đi Chămpasắc.

Thủ phủ của Champasắc là thị xã Pắc sế, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của cả 4 tỉnh Nam Lào, cách Viêng Chăn trên 650 km. Pắc sế có nghĩa là vùng đất nơi sông Sê Đôn gặp sông Mè Khoỏng hùng vĩ và thân thuộc. Thiên nhiên đã quá hào phóng ban tặng cho Champasak đất ruộng tốt tươi, xứng danh là vựa lúa, vựa cá ở cực Nam nước Lào. Hiện tỉnh Champasak sản xuất khoảng 38.000 tấn cà phê/năm sang các nước và vùng lãnh thổ gồm Ba Lan, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).

Champasắc có lịch sử lâu đời, từng là một thành trì giàu mạnh cả về mặt quân sự, kinh tế và văn hóa xã hội dưới thời Vương quốc Lan Xang. Là một tỉnh nằm ở phía Nam Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, tiếp giáp với các tỉnh Salavan, Sekông, Ặttapư và tỉnh Stung Treng (Campuchia), ngoài ra tỉnh Champasak tiếp giáp với Thái Lan ở phía Tây. Diện tích tự nhiên của Champasak là 15.350 km2, mật độ dân số 42 người/km2.

Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương là địa phương của Việt Nam đã hỗ trợ Chămpasắc nhiều nhất về kỹ thuật trồng ngô lai, chăn nuôi, cung cấp giống bò, phân bón, thuốc trừ sâu; triển khai dự án trồng cao su.

champasac

Đoàn chúc tết tại Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Champasac

Bà Sen sô vanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao Chămpa sắc vui vẻ và trân trọng mời đoàn tham quan khu làm việc. Đồng thời bà cũng giới thiệu một số di tích lịch sử của Champasắc cho đoàn thu xếp để tham quan. Bà Sen sô vanh phát biểu rất quan tâm tình hình học sinh của tỉnh đang học tập tại Kon Tum.

Dù khá bận rộn với công việc điều hành, nhưng bà rất trẻ trung, sôi nổi như phong cách lăm vông của người con gái Lào. Trong căn phòng làm việc nhỏ nhắn nhưng bài trí khá gọn gàng, đẹp mắt.

Người Lào bắt đầu một ngày mới khá muộn. Hầu hết các công sở đều mở cửa lúc 8 giờ sáng. Khoảng 9 giờ, các cửa hàng, cửa hiệu mới mở cửa và đến khoảng 16 hơn là đóng cửa, hết một ngày làm việc. Vào các ngày lễ, ngày Tết, người dân tạm gác công việc để dành thời gian vui chơi. Các nhà hàng, quán ăn mà chúng tôi vào đều có chung nhịp điệu từ từ, không vội vàng, cho dù khách có đông. Tuy nhiên, nhà hàng lại rất chu đáo và tươm tất trong việc phục vụ. Các món ăn đều có đủ 5 loại gia vị chua, cay, mặn, đắng, ngọt; các loại củ tỏi, hành, ớt, chanh, đậu phụng rang giã nhỏ, tất cả các hỗn hợp trên làm thành tương rất hợp với khẩu vị của du khách.

Hôm sau đoàn lên đường lúc 6h sáng. Sau khi đi thăm một vài thắng cảnh ở Pắc sế, chúng tôi thẳng tiến Ặttapư.

Trung tâm huyện Pắk song có khí hậu khá gần với khí hậu của tỉnh Kon Tum. Dù 12h trưa nhưng không khí vẫn mát mẻ. Đoàn dừng chân và ăn cơm trưa, mua kỉ vật làm kỉ niệm chuyến đi. Xe lăn bánh bon bon đến 2h chiều chúng tôi đến nhà nghỉ Ặttapư nằm cạnh bờ sông.

Tỉnh Ặttpư có diện tích tự nhiên 10.320 km2, mật độ dân số 18 người/km2, là tỉnh có chung đường biên giới với Kon Tum dài 142,4 km. Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai đã đầu tư nông trường cao-su 24 nghìn ha với hệ thống tưới  nước công nghệ cao; bệnh viện đa khoa 200 giường; trường tiểu học; sân bay Ặttapư với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Trong những năm qua Ặttapư từ một tỉnh nghèo đã vươn lên thành một tỉnh giàu đẹp nhờ khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của mình.

HAGL

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Ặttapư

          Từ bao đời nay, nhân dân hai bên nơi đây luôn là láng giềng gần gũi, cùng xây đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống khăng khít, gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Năm 2011, tỉnh Kon Tum đã khởi xướng và tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phát triển giữa Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi (Việt Nam) với Chăm Pa Sắc, Sê Kông, Ặttapư (Lào) và Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan).

AttapuĐoàn Sở GDĐT tỉnh Kon Tum làm việc Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Attapư

          Tỉnh Kon Tum thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ các tỉnh bạn về các lĩnh vực: lý luận chính trị, quản lý nhà nước, công tác Đảng và đào tạo nghề cho hàng trăm lưu học sinh Lào. Kon Tum còn tài trợ kinh phí cho Hội Việt kiều tại tỉnh Ặttapư và Sê Kông xây dựng Trường hữu nghị Việt ­ Lào; cử giáo viên dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều và con em của nhân dân Lào; bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ các cơ quan của 2 tỉnh Ặttapư và Sê Kông.

Hiện nay tại tỉnh Kon Tum có số sinh viên của 4 tỉnh Nam Lào đang theo học là 71 em. Trong đó tỉnh Chămpasắc là 11 em, tỉnh ẶtTaPư: 40 em, Sê kông: 10 và tỉnh Slavan: 10 em. Sinh viên Lào đã tốt nghiệp từ năm 2003 đến 2015 là 205 em. Chương trình tiếng Việt phải học 1.000 tiết/12 tháng, sau đó học các môn chuyên ngành.

Ông bà xưa từng nói: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Chúng tôi thu lượm được nhiều hiểu biết qua chuyến đi thực tế. Xin cảm ơn những người bạn Lào, trân trọng tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào mãi mãi khắc sâu, đời đời bền vững./.