LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Lượt xem:

Đọc bài viết

Từ ngày 4/4/ 2017 đến ngày 14/ 4 /2017 Ban văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức giám sát tình hình thực hiện Quyết định số 23/QĐ-HĐND ngày 22/3/2017 về quyết định thanh lập đoàn giám sát và Kế hoạch số 24/KH-HĐND ngày 24/3/2017 về kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010-2016”.  Ban văn hóa – xã hội tiến hành giám sát thực tế tại sáu đơn vị trường học, Uỷ  ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông; Đăk Tô và thành phố Kon Tum và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sáng ngày 14/4/2017 tại Hội trường Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm làm rõ một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010-2016. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Tài chính; Sở Nội vụ; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; Trưởng phòng GDĐT các huyện, thành phố và lãnh đạo Sở GDDT, trưởng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở.

quang canh 1

Quang cảnh buổi làm việc

Đồng chí Phan Thị Thủy, Trưởng ban văn hóa- xã hội, HĐND tỉnh đã đánh giá cao các kết quả đạt được và nêu tồn tại, hạn chế trong việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhìn chung việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đầy đủ; các ngành chức năng đã hướng dẫn kịp thời các văn bản của trung ương và của tỉnh.

Tuy nhiên hệ thống văn bản pháp luật hiện nay vẫn chưa thống nhất, đồng bộ, chưa thật sự khuyến khích cho đội ngũ nhà giáo an tâm công tác. Việc thực hiện Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, ngày 23/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn tại tỉnh chưa được sự thống nhất các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Việc giải đáp các vướng mắc của các Bộ liên quan cũng thiếu sự thống nhất, đồng bộ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà giáo.

quang canh 2

Về phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng, đội ngũ nhà giáo cơ bản đảm bảo số lượng, trình độ giáo viên cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ dạy và học trong tình hình mới.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương và ở các bậc, cấp học, nhất là cấp tiểu học và bậc mầm non so với quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Trong đó tính trong toàn tỉnh cấp tiểu học thiếu 268 giáo viên; bậc mầm non thiếu 823 giáo viên. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy học trên địa bàn.

Những vấn đề trên đây được nhiều đại biểu tham dự quan tâm nhất và thống nhất đề xuất kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương để có hướng điều chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo công tác dạy và học ở các cấp, bậc học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh.